Doanh nghiệp nội “mặn” với bảo hiểm nhân thọ

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu do các công ty nước ngoài như Prudential, Manulife... thống lĩnh, trong nước chỉ mới có Công ty Bảo Việt. Mặc dù thị trường bảo hiểm nhân thọ đang sụt giảm nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang chuẩn bị nhảy vào. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với các đại gia nước ngoài?

Gần như phải “vượt cạn”

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank Cardif (VCLI) đã chính thức được cấp giấy phép. Vincom cũng đang xúc tiến thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cho biết hiện nay cũng còn nhiều ngân hàng thích thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ để huy động vốn tài trợ cho các dự án trung và dài hạn. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng điều kiện để thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ khá khắt khe. theo quy định, loại hình công ty này phải đáp ứng nhiều điều kiện về vốn điều lệ, trình độ nhân sự.

Trong số các điều kiện ngặt nghèo này, khó đáp ứng nhất là phải có chuyên gia tính phí bảo hiểm. Ở Việt Nam hiện nay chưa đào tạo được ngành này. Để trở thành chuyên gia tính phí, mỗi cá nhân phải qua đào tạo từ 10 đến 15 năm, năm năm học cử nhân bảo hiểm và khoảng 10 năm nữa đào tạo ở nước ngoài. Về Việt Nam, họ phải thuyết trình chuyên môn trước Bộ Tài chính, nếu đạt yêu cầu mới được công nhận. Nếu đạt trình độ cấp chuyên gia tính phí ở nước ngoài về thì họ sẽ được các định chế tài chính trả lương còn cao hơn công ty bảo hiểm, khoảng 30.000 USD/tháng.

Đây là khó khăn không dễ đạt được đối với doanh nghiệp mới. Trước đây 10 năm, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã dự định mở công ty bảo hiểm nhân thọ nhưng đành phải hủy bỏ kế hoạch vì không tìm ra chuyên viên định phí.

Ông Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng bộ môn Bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết điều kiện vốn 600 tỷ đồng cũng không phải là nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên những công ty bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thành lập vào thời kỳ này cũng rất mạo hiểm khi đối đầu với nhiều đại gia. Hơn nữa, lạm phát cũng đang ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm nhân thọ khiến các công ty cũ đang gặp khó khăn. Hai công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài là Cathay của Đài Loan và Great Eastern của Singapore mới được cấp giấy phép nhưng cũng đang hoạt động ở thế thăm dò thị trường.

Đón đầu cơ hội

Theo ông Lộc, lợi thế của công ty bảo hiểm trong nước là am hiểu văn hóa người Việt. Từ đó, doanh nghiệp trong nước sẽ thiết kế được những sản phẩm bảo hiểm phù hợp với người Việt hơn. Tuy nhiên, việc quản lý doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rất phức tạp, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trình độ cao. Bởi lẽ mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ lại có những thông tin khác nhau, mức phí đóng cũng không giống nhau. Chẳng hạn, cũng là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Bảo Việt dành cho trẻ em nhưng mức đóng phí lại phụ thuộc vào tuổi tác của cha mẹ. Cha mẹ của đứa trẻ lớn tuổi sẽ đóng phí cao hơn cha mẹ trẻ tuổi. Vì vậy, số lượng khách hàng phát triển lớn tới vài triệu như Bảo Việt, Prudential sẽ rất khó cho quản lý.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm nhân thọ mới sẽ sử dụng rất nhiều lao động phải qua đào tạo. Trước mắt, nhân sự trong ngành bảo hiểm nhân thọ cứ chạy lòng vòng từ công ty cũ sang công ty mới. Công ty mới sẽ tận dụng kinh nghiệm, chất xám của lao động có sẵn trên thị trường phục vụ mình.

Ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết các công ty bảo hiểm trong nước mới thành lập tuy có nhiều khó khăn trước mắt nhưng xét về lâu dài lại rất tốt. Hiện nay đang có một thuận lợi cho các công ty mới là người dân không còn mặn mà với đầu tư chứng khoán, thêm vào đó là lãi suất ngân hàng sụt giảm nên tiền sẽ chảy sang bảo hiểm nhân thọ cho an toàn. Hơn nữa, tình hình thị trường hiện nay cũng là thời cơ để doanh nghiệp thâm nhập thị trường trước khi thị trường tăng nhiệt.

Trước đây, một số công ty nước ngoài cũng đã nhảy vào thị trường Việt Nam để đón đầu cơ hội 5-10 năm tới. Những năm 1995-1996, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh nhưng đến năm 2004-2005 mới gặt hái lợi nhuận. Cho nên đỉnh cao phát triển của bảo hiểm nhân thọ cũng rơi vào những năm đó.

Hợp đồng bảo hiểm mới giảm 3,3%

Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm, chín tháng đầu năm 2008, thị trường chịu tác động bất lợi từ nền kinh tế nên số lượng hợp đồng khai thác mới bị giảm. Tổng số hợp đồng bảo hiểm mới khai thác đạt 888.728 hợp đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số đại lý bảo hiểm nhân thọ hơn 72 ngàn người, giảm 0,64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty có đại lý nhiều nhất là Prudential với gần 30 ngàn người, Bảo Việt nhân thọ hơn 16 ngàn người, AIG Life gần 9.000 người.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm