Doanh nghiệp ngoại không ngừng đầu tư vào Việt Nam

Âm thầm nhưng mạnh mẽ nhất là cà phê Starbucks đã mở cửa hàng thứ tám tại TP.HCM (sau hai năm có mặt tại Việt Nam) và chuẩn bị mở hàng loạt cửa hàng tại Hà Nội. McDonald’s dù trong lĩnh vực thức ăn nhanh cũng không ngần ngại đưa thêm McCafé một cách lặng lẽ vào thị trường. Nhiều thương hiệu khác như kem Baskin Robin (Mỹ), hãng kem Dairyqueen (của tỉ phú Wareen Buffet) cũng đã có mặt ở Việt Nam…

Ông Hoàng Tùng, chuyên gia thương hiệu, nhận xét thị trường chuỗi quán cà phê - đồ ăn nhanh tại Việt Nam hiện mới đang ở những bước phát triển ban đầu. Các DN ngoại mở rộng chuỗi hoạt động của mình là điều bình thường bởi số lượng vài quán mà họ đang có tại Việt Nam là con số rất nhỏ so với hàng chục ngàn quán mà các thương hiệu này đang có trên thế giới. Họ phải liên tục tìm tòi và khai phá những thị trường mới để mở rộng quy mô.

Phân tích thêm, ông Tùng nêu những chuỗi quán cà phê của DN Việt là ngồi tại chỗ, thư thái thưởng thức. Điều này khác biệt so với các DN ngoại là cà phê mang đi. Còn McDonald’s hay Dunkin’s thì cà phê trong các chuỗi quán này là sản phẩm phụ nhằm tăng doanh thu cho món chính.

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ vừa xuất hiện tập đoàn bán lẻ Mapletree (Singapore) hợp tác Saigon Co.op khởi công dự án Trung tâm Thương mại SC VivoCity tại quận 7 (TP.HCM), hay tập đoàn bán lẻ Central (Thái Lan) Robins Deparment Store sau khi có mặt ở Hà Nội thì cũng chuẩn bị mở thêm trung tâm tại TP.HCM…

Trong bối cảnh sức mua thị trường ảm đạm nhưng vì sao sự đổ bộ của các DN ngoại vào Việt Nam vẫn không hề giảm? Một số chuyên gia cho rằng ở quy mô toàn cầu trong ngành bán lẻ, Việt Nam mới có sự xuất hiện của vài thương hiệu lớn. Việt Nam là mảnh đất nhiều tiềm năng nhưng sức cạnh tranh chưa cao nên đây là một trong những lý do khiến các ông lớn muốn hiện diện tại Việt Nam.

T.UYÊN - Q.HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm