Doanh nghiệp ngoại “dòm ngó” công cụ tìm kiếm Việt

Thương vụ của người trẻ

Trên thực tế, thương vụ này đã được thương thảo từ hơn một năm nay. Theo ông Hồ Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ thông tin Naiscorp (Naiscorp), đơn vị sở hữu trang web Socbay, đến thời điểm hiện nay, hai bên vẫn đang trong giai đoạn thỏa thuận.

Ông Đức tiết lộ: “Ban đầu, mức giá Google đưa ra không hợp lý, chỉ nhỉnh hơn một nửa giá trị của công ty”. Cũng theo ông Đức, càng về sau Google càng đưa ra những đề nghị hợp lý hơn. Điều này khiến Naiscorp có thể sẽ chấp nhận sát nhập với ông trùm Google trong tương lai. Tuy nhiên, sẽ với một điều kiện tiên quyết là giữ lại công nghệ tìm kiếm để phát triển. “Việc bán ở đây không đơn thuần là bán đứt, nó phải tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển và nhất là phải có giải pháp phát triển cho công cụ tìm kiếm của người Việt” - ông Đức nhấn mạnh.

Doanh nghiệp ngoại “dòm ngó” công cụ tìm kiếm Việt ảnh 1

Nhóm chuyên viên của Sóc Bay thời điểm làm việc tại Google.

Ngay từ khi mới thành lập vào khoảng năm 2006, Naiscorp đã được đánh giá cao, đặc biệt là ý tưởng. Những người sáng lập chỉ là những chàng trai tuổi đôi mươi nhưng Naiscorp đã tìm được nhiều nguồn quỹ đầu tư quốc tế. Cho đến nay, công ty hoạt động khá thành công trong lĩnh vực tìm kiếm. Theo số liệu thống kê của doanh nghiệp này, mỗi ngày có từ 600.000 đến 1,2 triệu lượt truy cập. Đây là một con số không tưởng đối với khá nhiều trang web hạng sang.

Sau sự kiện tạp chí Forbes công bố thông tin trên, giới phân tích đã đưa ra nhiều lý giải khác nhau. Theo đó, Google vốn chỉ mua “người tài”, mua công nghệ mà Google thiếu hoặc mua để có cổ phần ở những công ty thống trị một mảng thị trường bản địa nào đó đang sinh lời. Nếu đúng như phân tích này, khả năng lớn nhất là Google muốn sở hữu một đội ngũ tài năng trẻ, sáng tạo của Socbay. Lời mời viếng thăm trụ sở Google tại Mỹ dành cho nhóm bạn trẻ này vừa qua là một khẳng định.

Google rất quan tâm

Tính đến thời điểm này, ngoài giao diện tiếng Việt, Google vẫn chưa có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Mọi giao dịch quảng cáo đều dựa trên các giao dịch trực tuyến. Như vậy, Google chưa thể triển khai bất cứ hoạt động nào để đẩy mạnh khai thác thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.

Doanh nghiệp ngoại “dòm ngó” công cụ tìm kiếm Việt ảnh 2

Trang web socbay được google đánh giá cao và từng đề nghị mua lại.

Ông Đức chia sẻ: “Qua trao đổi với chúng tôi, Google cho thấy rằng họ đang quan tâm rất mạnh vào thị trường tìm kiếm Việt Nam. Họ mong muốn nâng cao chất lượng tìm kiếm tiếng Việt, dữ liệu tiếng Việt và mở rộng thị trường kinh doanh tại Việt Nam”. Có thể thương vụ với Socbay là con đường ngắn nhất để Google tiến vào thị trường Việt Nam bởi đội ngũ này gần như đã hoàn hảo về mặt tổ chức lẫn hoạt động. Điều này cho thấy thị trường trực tuyến Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt khai thác thị trường này đang ngày một lớn mạnh.

Bài học Baidu

Tại Trung Quốc, doanh nhân Robin Li, người sáng lập web tìm kiếm Baidu, đã đánh bại Google ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, Robin Li cũng đã từ chối lời đề nghị hợp tác của gã khổng lồ tìm kiếm Google đưa ra vào năm 2005 trước khi chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Không chỉ với Naiscorp, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu gây được tiếng nói với quốc tế. Không có sáng tạo riêng, phần lớn ý tưởng kinh doanh trên mạng của họ đều phát triển dựa trên ý tưởng đã có sẵn rồi phát triển bằng hướng riêng, phù hợp với nhu cầu bản địa.

Đơn cử như Vinabook.com, mô hình kinh doanh sách trực tuyến phát triển theo hướng của Amazon.com hay Dangdang.com của nước ngoài. Vinabook lớn mạnh với số khách hàng lên tới hơn 200.000 người trong vòng năm năm. Nhắm tới mục tiêu trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, Vinabook không chỉ kinh doanh sách mà còn cả phần mềm, phim ảnh, âm nhạc... và tiến đến liên kết với các nhà xuất bản để xuất bản dòng sách độc quyền của mình.

Tương tự, ChợĐiệnTử của giám đốc trẻ Trần Hòa Bình cũng được thành lập và phát triển trên ý tưởng của website bán hàng trực tuyến eBay. Đón đầu xu hướng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam, ý tưởng kinh doanh này được cả tập đoàn quốc tế IDG và Softbank đầu tư. Hiện có hơn 500.000 người đăng ký với mục tiệu đạt 1 triệu vào năm tới.

Tuy chưa có kết quả chính thức nhưng sự kiện Socbay và một số doanh nghiệp công nghệ khác được tạp chí Forbes điểm mặt là một dấu ấn cho công nghiệp dịch vụ tại Việt Nam bởi đây là cơ hội tốt để những nhà đầu tư lớn trên thế giới biết đến khả năng của doanh nghiệp Việt. Làn sóng đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt nam trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, vì vậy mà có thể sẽ còn phát triển trong thời gian tới.

“Tôi tin rất nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sẽ nhận được nhiều lời mời hợp tác, không chỉ là việc đầu tư về vốn mà bên cạnh đó là sự hợp tác để nâng cao công nghệ, mở rộng thị trường” - ông Đức nhấn mạnh.

NHƯ VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm