Doanh nghiệp "hụt hơi" với thủ tục hải quan

Một năm chưa có câu trả lời

Tại Hội nghị đối thoại với Bộ Tài chính lần này (23/6), có doanh nghiệp đã cử dại diện của mình đến chỉ để hỏi lại vấn đề gút mắc mà công ty đã nêu ra trong cuộc đối thoại... hồi năm ngoái, đến nay vẫn chưa được hướng dẫn giải quyết (!).

Khoảng 500 đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam đã tham gia buổi đối thoại và trực tiếp đặt ra những vấn đề còn đang khúc mắc, gây khó khăn cho hoạt động của họ.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Xây dựng Lý Phú Vinh (phường Đa Kao, Q.1, TP.HCM) cho biết, năm ngoái, công ty ông có bán một lô hàng cho một khách hàng ở Q.6, đã xuất hóa đơn. Tuy nhiên sau đó bên mua hàng không chịu nhận hàng. Công ty Lý Phú Vinh đã kiện đối tác này ra tòa.

Theo quyết định của tòa án đơn vị bán hàng phải xuất lại hóa đơn cho lô hàng. Như vậy , tổng cộng Công ty Lý Phú Vinh phải xuất hai lần hóa đơn cho cùng một lô hàng.

Rắc rối ở đây là sau khi xuất hóa đơn lần thứ nhất, toàn bộ giá trị lô hàng trên đã được Công ty Lý Phú Vinh hoạch toán thuế cụ thể trong năm  2009. Vì thế, công ty không biết sẽ phải tính toán như thế nào cho hợp lý. Công ty này đã gửi văn bản lên Chi cục Thuế Q.1 yêu cầu được hướng dẫn nhưng đến nay vẫn không thấy trả lời.

Theo giải đáp của đại diện Bộ Tài chính: "Trong trường hợp này, doanh nghiệp buộc phải tuân theo yêu cầu của tòa án kinh tế là cấp lại hóa đơn mới của lô hàng cho người mua. Trách nhiệm của cơ quan thuế là phải tính toán lại doanh thu và thuế năm 2009 cho công ty Lý Phú Vinh. Đặc biệt, điều cần lưu ý là không được xử phạt doanh nghiệp nộp thuế chậm".      

Không ít các quyết định về Thuế, thủ tục Hải quan còn chưa rõ ràng, mỗi cơ quan có cách hiểu và áp dụng khác nhau gây lúng túng cho các doanh nghiệp khi "đụng" phải. Đây là nguyên nhân làm phát sinh những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngán ngẩm

Trưởng ban Thủ tục Hải quan Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) Nguyễn Hà Phương, lấy ngay trường hợp của công ty mình đang gặp phải để minh chứng cho sự không rõ ràng của các văn bản thủ tục.

Theo ông Phương, Công ty Vinamilk khi nhập khẩu trang thiết bị nguyên bộ từ nước ngoài về, để đảm bảo an toàn thiết bị, trong quá trình vận chuyển, một số thiết bị được tháo rời từng bộ phận, đồng thời vận chuyển nhiều đợt khác nhau. Đến khi làm thủ tục, thiết bị nguyên bộ này lại bị hải quan áp thuế theo từng phụ tùng riêng lẻ.

Ông Phương còn cho biết thêm, Vinamilk cũng đang còn một hồ sơ xuất khẩu chưa được hoàn thuế, mặc dù hàng đã xuất khẩu từ năm 2005 tuy nhiên do khách mua hàng ở nước ngoài không chịu trả tiền nên hồ sơ chứng từ chưa đầy đủ. Suốt ba năm qua, công ty đã nhiều lần làm việc với cơ quan các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết và được giải thích là... chưa có cơ chế (!).

Ngoài ra, việc hải quan cửa khẩu nào có thể quyết toán hoàn thuế cũng không được quy định rõ cũng gây nhiều cản trở cho doanh nghiệp, vì cùng một lô thiết bị nhưng doanh nghiệp phải nhập về bằng nhiều đường vận chuyển và qua một số cửa khẩu khác nhau. Thậm chí khi thông tư đã quy định rõ thì việc thực thi vẫn... vướng! Chẳng hạn, thông tư 79 cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trước khi kiểm tra sử dụng nhưng thực tế doanh nghiệp lại không hề được hưởng hoàn thuế trước.  

Một thực trạng vẫn còn đang tiếp diễn là cách giải quyết vấn đề của cơ quan thuế, hải quan vẫn chưa rốt ráo và còn kéo dài thời gian.

Phát biểu của đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Gia Định khiến nhiều người thở dài ngán ngẩm khi vấn đề gút mắc của công ty đã được nêu trong cuộc đối thoại với cơ quan thuế... năm ngoái, đến năm nay, công ty tiếp tục cử đại diện đến hội nghị chỉ để nêu lại câu hỏi cũ!

Để tiếp nhận hết các văn bản, quy định về các luật là một việc không hề đơn giản với các doanh nghiệp vì thủ tục thì nhiều, quy định lại chung chung.

Trong khi việc kinh doanh thì không thể đợi cho nên doanh nghiệp cần sự giúp sức của các cơ quan thuế, hải quan để nhanh chóng gỡ rối. Đồng thời, việc rút ngắn các quy trình thủ tục, đơn giải hóa các thủ tục là mối bức xúc lớn của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được quan tâm. Và điều cần thiết là các quy định, văn bản pháp luật phải rõ ràng, tương ứng với tình hình thực tế.

Theo Thiên Nga ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm