Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Có hàng nhưng không xuất khẩu được vì… thuế!?

Áp dụng thuế trước 30 ngày mới thông báo?

Phát biểu tại cuộc họp, hầu hết các DN đều cho rằng, kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng gần đây đang có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh. Thậm chí tại một số DN, mức giảm đã lên tới 30% - 40%. Nhiều khả năng trong năm 2009, mức độ sụt giảm sẽ lên tới 50% - 60%. Ngoài nguyên nhân chính là người tiêu dùng tại các nước trên thế giới thắt chặt chi tiêu, thì còn những vấn đề nội tại trong việc điều hành của các bộ ngành chức năng, trong đó nổi cộm nhất là thuế và hải quan.

Sản xuất bình gốm xuất khẩu ở Công ty Natural - Choice (Australia) tại Củ Chi, TPHCM. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Sản xuất bình gốm xuất khẩu ở Công ty Natural - Choice (Australia) tại Củ Chi, TPHCM. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Bà Trần Thị Quế Minh, kế toán trưởng Công ty TNHH Hoằng Tiệp VN (chuyên sản xuất kinh doanh cát trắng, cát khuôn đúc và bột thạch anh) cho biết, kể từ ngày 1-1-2008, Bộ Tài chính đã áp mức thuế 7% đối với các mặt hàng xuất khẩu của công ty. Đến ngày 22-4-2008, mức thuế này được nâng lên tới 12%.

Điều khiến DN hết sức bất ngờ và bức xúc là các bộ ngành đã không báo trước mà tự động nâng thuế, áp dụng trước 30 ngày sau đó mới báo lại cho DN. Hệ quả DN đã bị truy thu toàn bộ mức thuế lên tới hàng tỷ đồng, đồng thời phải chịu phạt (vì DN đã mở tờ khai hải quan), trong khi lỗi không thuộc về DN.

“Từ khi mức thuế điều chỉnh, chúng tôi trở nên “nghẹt thở” vì các đơn hàng đã ký từ trước đó cả năm, nay phải điều chỉnh giá nên khách hàng ở Malaysia không hợp tác; còn Nhật Bản - thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty đã giảm 5% vì lý do luật của VN không ổn định!” – bà Minh bức xúc nói. Theo bà Minh, sản phẩm xuất khẩu của công ty là cát thủy tinh cao cấp, đã chế biến chứ không phải là cát thô! Do vậy không thể đánh đồng việc áp cùng một mức thuế giống nhau là 12% được.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phòng XNK Công ty cổ phần Hyundai Aluminum Vina cũng cho rằng, chính sách thuế đã và đang làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của DN. Công văn số 11270 ban hành ngày 23-9-2008 yêu cầu toàn bộ hàng xuất khẩu từ nguyên liệu nhập khẩu phải đóng thuế đã làm cho hoạt động xuất khẩu của DN bị ngưng trệ hoàn toàn. Nếu chiếu theo công văn thì công ty này sẽ bị truy thu thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng! “Chúng tôi đã đóng cửa nhà máy trong bối cảnh đơn đặt hàng rất nhiều và hàng sản xuất ra nhưng không xuất khẩu được. Nếu các bộ ngành không xem xét để gỡ khó cho DN thì tình hình rất khó lường” – ông Thắng nói.

Trả lời những vấn đề này, ông Vũ Khắc Liêm – Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện ngành thuế đang trình Chính phủ tất cả những vấn đề vướng mắc của DN trong hoạt động XNK. Liên quan đến những vấn đề của các DN vừa nêu, ông Liêm thừa nhận, mỗi một mã hàng sẽ được áp mức thuế khác nhau, không thể đánh đồng được. Ông Liêm nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện việc cắt giảm thuế đối với các mặt hàng theo cam kết WTO, vì vậy trong quá trình thực hiện sẽ bộc lộ bất cập. Nếu DN thấy chưa hợp lý thì làm văn bản gửi lên Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ xem xét để sửa chữa ngay!

Hải quan sai, bắt DN chịu!

Cũng theo ông Nguyễn Chiến Thắng, gần đây Hyundai đã thực hiện việc khai báo hải quan điện tử. Trong quá trình khai báo đã xảy ra tình trạng DN khai báo tỷ lệ hao hụt đúng với thực tế, nhưng khi thẩm định thì có sự chênh lệch rất lớn. Kết quả là DN phải mất rất nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa, nếu không cẩn thận sẽ bị nộp phạt. “Vấn đề này không phải do DN mà là do phần mềm khai báo hải quan có vấn đề!” – ông Thắng khẳng định.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Đình Kính, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát và quản lý Tổng cục Hải quan cho rằng, hiện nay chúng ta đang triển khai thí điểm việc khai báo hải quan điện tử tại một số địa phương nên sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Công ty Thái Sơn – đơn vị cung cấp phần mềm để xử lý vấn đề này sớm nhất.

Liên quan đến các vấn đề về điều chỉnh tỷ lệ hao hụt và thủ tục nhập khẩu máy móc làm tài sản cố định của một số DN dệt may và sản xuất thép, linh kiện điện tử, ông Kính cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đồng ý cho phép việc điều chỉnh tỷ lệ hao hụt là 3% đối với ngành dệt may và chỉ được thực hiện trước khi xuất khẩu. Hiện các bộ ngành đang lập văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện. Đối với việc nhập khẩu máy móc làm tài sản cố định, DN phải đăng ký và khai báo một cách chính xác. Trong trường hợp không chắc chắn về giá nhập khẩu thì nên khai báo theo mức dự kiến để các ngành chức năng dễ xử lý hơn.

Ngoài ra, nhiều DN cũng kiến nghị, hải quan cần phải linh hoạt hơn trong việc áp mã HS trong quá trình XNK hàng hóa, tạo điều kiện cho DN có đủ nguyên liệu thay thế (trong tình trạng máy móc máy móc bị hư). Thực tế, có rất nhiều DN phải ngưng hoạt động trong vài ngày để chờ thông quan hàng hóa cũng chỉ vì việc áp mã HS một cách máy móc của ngành hải quan.

Ban quản lý KCX, KCN TPHCM cũng cho rằng, cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để phát triển hải quan điện tử cũng như hệ thống logicstic tại những địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn. Hiện các cảng của TPHCM đang tiếp nhận tới 70% lượng container của cả nước, trong khi hạ tầng còn quá kém, dẫn đến nhiều DN có nhu cầu xuất khẩu 50 container/ngày nhưng chỉ thực hiện được từ 5 - 7 container!...

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh: “Tháo gỡ khó khăn cho các DN đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ. Trong đó, các DN FDI đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và GDP của cả nước. Vì thời gian có hạn, nếu các DN cảm thấy chưa thỏa mãn phần trả lời của các bộ ngành chức năng, tiếp tục làm văn bản gửi trực tiếp cho tôi. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành giải quyết rốt ráo những tồn tại cho DN”.

Ông Phạm Thế Dũng – Vụ trưởng Vụ XNK Bộ Công thương: Kim ngạch xuất khẩu của DN FDI chiếm khoảng 40%

DN FDI đóng góp ngày càng lớn vào thành tích xuất khẩu hàng hóa của VN trong những năm gần đây. Nếu năm 2004 chiếm 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, năm 2005 chiếm 35% thì đến năm 2007 tăng lên 39,7% và 11 tháng đầu năm 2008 dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% (đạt 23 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2007).

DN FDI tham gia hầu hết các mặt hàng chủ lực của VN, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chế tạo và chế biến như hàng điện tử, dây cáp điện, hàng cơ khí. DN FDI luôn tiên phong trong việc tìm kiếm nhiều mặt hàng mới trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa VN, nhất là các mặt hàng công nghệ cao và luôn chủ động trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu…

H.HÀ

Theo THÚY HẢI ( SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm