Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập quỹ rủi ro

Trong tờ trình về dự luật, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Luật Kinh doanh BH có hiệu lực thi hành từ 1.4.2001 đến nay đã 10 năm, qua quá trình thực thi đã đạt được một số kết quả nhất định như số DNBH tăng từ 14 lên 50.

Tính đến tháng 3.2010, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực BH nói riêng đã lên tới hơn 1 tỉ USD; tổng doanh thu phí BH đạt 2% GDP; tổng số tiền các DNBH đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế tăng từ 5.000 tỉ đồng năm 2000 lên 66.900 tỉ đồng năm 2009.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện luật, đã bộc lộ một số bất cập, thể hiện ở quy mô thị trường BH còn nhỏ trong khi tiềm năng phát triển thị trường tương đối lớn. Đặc biệt là vẫn còn hiện tượng cạnh tranh chưa lành mạnh, thông qua việc chào phí BH, chi trả hoa hồng môi giới và hoa hồng đại lý chưa đúng đối tượng…

Lần sửa đổi, bổ sung này, ban soạn thảo đề nghị một số quy định mới trong luật như việc thay vì quy định hai loại hình BH như trước: BH nhân thọ và BH phi nhân thọ, thì lần này, dự luật quy định có ba loại hình BH gồm: Nhân thọ và hưu trí tự nguyện; phi nhân thọ; và chăm sóc sức khỏe tự nguyện.

Về điều kiện cấp phép, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, luật hiện hành đã quy định về các điều kiện để được cấp phép thành lập, tuy nhiên, qua thực tế, Bộ Tài chính nhận thấy năng lực tài chính (điều kiện về tổng tài sản, có khả năng thanh toán…) là những yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của DNBH, vì vậy, luật sửa đổi lần này sẽ quy định năng lực tài chính là điều kiện bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập DNBH, DN môi giới BH.

Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi lần này cũng sẽ bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo mới được làm đại lý kinh doanh BH.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Luật Kinh doanh BH hiện hành chưa có quy định bảo vệ quyền lợi của bên mua BH trong trường hợp DNBH gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, luật sửa đổi lần này quy định “ngoài việc trích lập dự phòng nghiệp vụ trên cơ sở phí bảo hiểm giữ lại, DNBH phải trích lập quỹ bảo vệ bên mua BH lấy từ nguồn phí BH của DN đó”, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ trích lập, cách thức quản lý, sử dụng quỹ. Tuy nhiên, đi kèm đó còn có những quy định hạn chế hành vi trục lợi của khách hàng đối với DNBH thông qua quy định về thời điểm phát sinh trách nhiệm BH.

Chính phủ dự kiến Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh BH có hiệu lực từ ngày 1.1.2011 tới.

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành các đề xuất trên của Chính phủ. Riêng về quỹ trích lập dự phòng rủi ro cho người tham gia BH, Chủ nhiệm Ủy ban này, ông Hà Văn Hiền cho rằng, “đây là hình thức bảo đảm an toàn, yên tâm cho người tham gia bảo hiểm, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với thị trường tài chính”.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, nếu quy định trích lập quỹ BH dự phòng rủi ro cho bên mua BH mà vẫn cho phép các DNBH quản lý quỹ đó thì khi phá sản chẳng cải thiện được tình hình. “Phải buộc DNBH mua BH ở một đơn vị độc lập khác thì khi DNBH đó phá sản vẫn còn quỹ đảm bảo chi trả cho khách hàng, như thế mới bảo vệ được người tham gia BH hiện nay”, bà Thu Ba đề nghị.

Theo Bảo Cầm (TNO) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm