DN nông sản khó đưa hàng vào siêu thị

Mới đây, khi thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ với các DN bán lẻ như Big C, Aeon, Co.opmart…, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết hầu như các nhà bán lẻ đều nhấn mạnh nhu cầu mua những hàng rau củ, trái cây, thực phẩm mang tính đặc sản của Việt Nam. Điều này giúp nhà bán lẻ giảm bớt chi phí so với việc phải nhập hàng ngoại. Có những DN đã tìm được nhà bán lẻ để hợp tác, song để trụ lại không phải chuyện dễ.

Cung cầu chưa gặp nhau

 Ông T., chủ nhiệm một hợp tác xã (HTX) ở Bình Chánh, TP.HCM, buồn bã kể lại rằng HTX chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan theo yêu cầu trình lên siêu thị. Sau một thời gian xét duyệt, phía siêu thị đã phản hồi là họ không có nhu cầu nhập các mặt hàng HTX chào. Họ cho biết đang cần các mặt hàng như salad son lá nhỏ, dưa leo nhí, bông bí…

Theo ông T., phần lớn các hộ nông dân đều trồng các mặt hàng phổ thông như bầu, bí đao, khổ qua, dưa leo, rau dền…, giờ siêu thị đòi hỏi các mặt hàng như vậy là rất khó. Trồng một sản phẩm phổ thông, đạt chứng nhận VietGap đã khó, trồng các mặt hàng Đà Lạt với điều kiện như siêu thị yêu cầu càng khó hơn.

Ông T. còn cho biết thêm HTX đã đưa được vào Siêu thị Co.opmart các mặt hàng như rau dền, rau mồng tơi… đạt chứng nhận VietGap. Nhưng muốn đưa thêm các mặt hàng khác thì phía siêu thị không có nhu cầu vì đã có nhà cung cấp khác rồi.

Nhiều DN vừa và nhỏ đã đưa hàng vào được siêu thị rồi nhưng đành ngưng vì môi trường cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: TÚ UYÊN

Có trường hợp DN đáp ứng đầy đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị nhưng việc giao hàng cũng rất khó khăn.

Anh H., chủ một công ty chuyên cung cấp rau củ quả cho các siêu thị, kể việc hợp tác với các siêu thị cần có doanh số tối thiểu. Sau năm năm kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng doanh số ở một hệ thống siêu thị không được, trong khi đó mức quy định về chiết khấu, ủng hộ khai trương hệ thống mới ngày càng tăng, giao hàng nhiều điểm..., cuối cùng công ty phải ngưng hợp tác vì các khoản lỗ kéo dài phát sinh từ hệ thống siêu thị này.

Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết một số sản phẩm địa phương mang tính chất là bán trong ngày như bún, rau phải đưa từ tỉnh lên thành phố rồi chuyển về lại tỉnh tốn rất nhiều chi phí. Siêu thị ở các chi nhánh chỉ đồng ý nhập hàng khi có giấy chứng nhận an toàn từ trên tổng kho thì dưới chi nhánh mới chấp nhận. Ngoài ra, các DN vừa và nhỏ sợ nhất là những cái phí không thể nêu tên được.

Lỗi tại ai?

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết việc giám sát kết quả các hợp đồng giao dịch giữa các DN vừa và nhỏ với các nhà bán lẻ TP.HCM trong các cuộc kết nối đưa hàng vào siêu thị cho thấy có vài trường hợp DN vừa và nhỏ chỉ giao dịch vài ba lần sau đó ngưng không tiếp tục đưa hàng nữa. Nguyên nhân là do dịch vụ giao nhận chưa đạt, chất lượng bao bì mẫu mã chưa cải tiến nhiều, việc gối đầu công nợ lâu khiến DN vừa và nhỏ khó xoay xở về vốn.

Đại diện Lotte Mart Việt Nam giải thích môi trường bán lẻ hiện đại ngày càng nhiều cạnh tranh kéo theo nhu cầu của siêu thị cũng phải thay đổi. Đơn cử như bánh kẹo được đóng gói chắc chắn, thời hạn sử dụng niêm yết rõ ràng luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng so với những bánh kẹo truyền thống được đóng gói thủ công… (thời gian bảo quản sản phẩm ngắn, chất lượng sẽ giảm nhanh). Do đó nếu cung cấp một sản phẩm chất lượng không cao sẽ khiến khách hàng mất lòng tin. Nên việc quyết định không lựa chọn sản phẩm đó là điều không tránh khỏi.

Liên quan đến việc thu mua hàng hóa, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại hệ thống Siêu thị Big C, cho biết việc mua hàng và cung ứng hàng hóa cho các siêu thị là do trung tâm thu mua của hệ thống siêu thị thực hiện. Siêu thị có những trung tâm trung chuyển và tính toán việc phân phối thật hợp lý để tránh phát sinh những chi phí không cần thiết.

Còn việc phải có phí bôi trơn khi vào siêu thị, ông Nguyên khẳng định để loại bỏ những hành vi không phù hợp của nhân viên trong việc hợp tác với nhà cung cấp, từ năm 2013, Ủy ban Phòng, chống gian lận và tham nhũng của Big C được thành lập. Ủy ban này ra đời nhằm xây dựng môi trường làm việc lành mạnh và cơ hội hợp tác công bằng cho mọi đối tác.

TÚ UYÊN

Nên phát triển thêm các kênh khác

Công ty làm việc với hệ thống Co.opmart, Metro được 10 năm. Thời gian tới chúng tôi sẽ phát triển thêm các kênh khác (chợ, cửa hàng tiện ích…) nhưng cũng phải mất 5-7 năm nữa. Hiện nay có nhiều kênh bán hàng khác nhau chứ không phải một mình siêu thị. Nếu ai cũng nhảy vào siêu thị mà siêu thị chỉ chọn một số ít DN thì cơ hội cho DN đó rất ít.

Ông LÊ XUÂN HÒE, Giám đốc Công ty TNHH
Kim Xuân Quang

Số lượng quầy kệ có hạn

Số lượng quầy kệ có hạn nên không phải tất cả mặt hàng trên thị trường đều có mặt trên kệ của siêu thị. Siêu thị không tùy tiện thay thế những sản phẩm đang ổn định về chất lượng, số lượng và doanh số bằng một sản phẩm cùng chủng loại vừa được chào hàng mà siêu thị đánh giá là NTD có nhu cầu thấp.

Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN, Phó Tổng Giám đốc
Saigon Co.op

DN nhỏ nên tham gia vào chuỗi cung ứng

Nếu DN có quy mô nhỏ thì nên tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Khi sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng, số lượng lớn và ổn định trong một thời gian dài mới nên đi vào hệ thống siêu thị. Nếu không sẽ không hiệu quả.

Ông LÊ XUÂN HÒE, Giám đốc Công ty TNHH
Kim Xuân Quang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm