DN nỗ lực vực dậy thị trường tiêu dùng

Số liệu cho thấy kết thúc quý I-2014, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 5%. Theo báo cáo mới nhất của các công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho thấy người tiêu dùng (NTD) giảm mạnh chi tiêu các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Giàu nghèo ai cũng “cắt” chi tiêu

Là nhân viên của một doanh nghiệp (DN) in (quận Tân Bình), thu nhập của chị Lê Nguyễn Quỳnh C. khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Hồi năm ngoái, chị cảm thấy với thu nhập như vậy việc chi tiêu vẫn còn thoải mái khi cùng bạn bè ra ngoài ăn trưa. Cuối tuần có thể đi xem phim, đi làm đẹp… Nhưng từ khi ra tết đến nay, những khoản đó đã được cắt giảm. Giá xăng tăng, hai vợ chồng đi cùng một xe để tiết kiệm. Chị còn tranh thủ nấu ăn mang theo cho buổi trưa. Công ty chị C. đang làm cũng rơi vào cảnh khó khăn, do đó chị và các đồng nghiệp không dám mạnh tay.

Cùng tâm trạng lo lắng trên, chị Lê Thị Y. (Tân Phú) kể hai, ba năm trở lại đây, cuộc sống của chị ngày càng khó khăn vì thu nhập thấp, trong khi giá nhiều mặt hàng từ thiết yếu đến dịch vụ đều cao. Thế nên chị phải “khéo vén”. Chẳng hạn như trước đây đi chợ thích mua cá thác lác thì nay chỉ mua cá ba sa về chế biến cho rẻ hơn. Mua hàng thì chờ các siêu thị có những đợt khuyến mãi.

Bên cạnh các gia đình có thu nhập còn thấp như chị C., chị Y. thì các gia đình có thu nhập khá giả cũng siết chặt tiết kiệm, như gia đình chị Đoàn Khánh H. (quận 3). Chị H. cho hay gia đình mình bắt đầu tiết kiệm từ hai năm trước, đến nay thì càng dè dặt hơn trong chi tiêu. Đi siêu thị giờ đây không phải mua món hàng, thương hiệu theo ý thích mà phải cân nhắc giá. Khoản làm đẹp như spa, gội đầu thì rất hạn chế. Các thiết bị điện trong nhà như tủ lạnh cũng hạn chế sử dụng đến mức tối đa.

 
Khi giá nhiều mặt hàng đều cao thì nhiều người tiêu dùng đã phải “khéo vén”. Ảnh: TÚ UYÊN

DN “đói” khách triền miên

Nhận định về thị trường, bà Trần Thị Thái Thanh, Phó Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình), cho hay sức mua vẫn chưa khởi sắc. Ngành quần áo thời trang bán chậm đã đành, ngay cả ngành hàng thực phẩm tươi sống trong chợ bán cũng ì ạch.

Một số nhà bán lẻ cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm triền miên so với cùng kỳ năm ngoái vì sức mua trong quý I-2014 không tăng mà nhiều khi còn giảm. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô… có chiều hướng giảm nhẹ. bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, chia sẻ: “Thời gian qua DN gồng mình cầm cự để chia sẻ với NTD. Dù nhiều chi phí tăng mà giá thành không tăng. Thậm chí có những dòng sản phẩm duy trì thị trường nhưng không có lãi”.

Trước tình hình này, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, thẳng thắn nêu lên điều lo ngạị nhất của DN hiện tại chính là sức mua - nằm ngoài sự chủ động của DN, DN không thể ép NTD mua được.

DN chấp nhận huề vốn trong ngắn hạn

Làm thế nào để thu hút khách tiếp tục đến với mình? Ông Mười cho hay, đó là đảm bảo chất lượng và giá cả sản phẩm hợp lý, mạng lưới phân phối rộng để đưa sản phẩm hàng hóa đến tận tay NTD. Điều quan trọng hơn chính là chia sẻ đúng mức với NTD, thậm chí DN phải nghĩ đến việc giảm lãi.

Cùng ý kiến trên, đại diện Công ty May Sài Gòn 3 cho biết trước tình hình sức mua sụt giảm, công ty đã cho nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm có giá mềm, có thể sử dụng trong thời gian dài. Trong giai đoạn này giá thành được tính toán làm sao để không bị lỗ chứ DN không nghĩ đến việc đạt được lợi nhuận cao.

Đâu là giải pháp sát sườn cho DN?

Trước những khó khăn về sức mua, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing hệ thống siêu thị Saigon co.op, phân trần nếu trong thời điểm khó khăn này mà làm cái gì đó để tạo ra cú hích lớn là rất khó. Do đó nhà bán lẻ phải đầu tư vào chiều sâu hoạt động marketing. Khuyến mãi là công cụ hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, hình thức khuyến mãi phải được cải tiến, mang đến quyền lợi thiết thực cho NTD. Bên cạnh đó, DN cần nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường gắn kết khách hàng và nhà bán lẻ thông qua các chương trình cụ thể.

Để đánh vào tâm lý tiết kiệm, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, đưa ra giải pháp “nhiều sản phẩm riêng lẻ được gom vào một gói to để NTD đỡ tốn kém”.

Ngoài chiến lược tiết kiệm, DN còn hướng vào tiêu chí “giá trị gia tăng”. Ông Lý Trường Chiến - chuyên gia kinh tế cho hay DN phải nâng cao năng lực quản trị chiến lược, năng lực đổi mới sáng tạo, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng, lúc đó NTD mới chú ý đến và sản phẩm mới có cơ hội được tiêu thụ.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm