DN du lịch ít mặn mà với tour lễ hội

Sau tết là thời điểm xuất hiện khá nhiều lễ hội. Thế nhưng ngoài một số ít doanh nghiệp đưa khách đi các tour lễ hội với số lượng hạn chế, phần lớn doanh nghiệp đều lưỡng lự, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã nói không với tour lễ hội đầu năm.

Sợ mất uy tín với khách

Hiện nước ta có hơn 7.000 lễ hội từ quy mô làng xã đến quốc gia. Chỉ riêng thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 đã diễn ra hàng loạt lễ hội văn hóa. Thế nhưng tình trạng bát nháo, việc tổ chức thiếu tính thu hút đã khiến không ít doanh nghiệp du lịch e ngại.

Theo khảo sát của các công ty du lịch thì tình trạng bát nháo mùa lễ hội những năm gần đây đã khiến các tuyến tour lễ hội năm nay khá trầm lắng.

Giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM cho hay việc những lễ hội cả lớn lẫn nhỏ gần đây đều khá lộn xộn và tính văn hóa không nhiều đã khiến du khách không còn mặn mà với các tour dạng này. Đơn cử Lễ hội phố hoa 2012 diễn ra từ 31-12-2011 ở Hà Nội đã rộ lên hàng loạt vấn đề về tệ nạn chặt chém. Lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với lễ hội chùa Hương ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mới đây cũng giảm so với cùng kỳ năm trước vì tệ nạn này. Những năm trước, lễ hội chùa Hương thu hút rất đông khách nước ngoài nhưng gần đây, lễ hội dài nhất trong năm này đã không còn sức hấp dẫn với du khách quốc tế.

DN du lịch ít mặn mà với tour lễ hội ảnh 1

Các doanh nghiệp du lịch không mặn với các tour lễ hội do tình trạng bát nháo và thiếu tính thu hút. Trong ảnh: Lễ khai ấn đền Trần tại TP Nam Định năm 2012. Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty Fiditour, cho biết: “Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên thị trường du lịch lễ hội thực sự không được doanh nghiệp quan tâm đầu tư thiết kế nhiều tour. Bên cạnh đó, thị phần khách đi các tuyến này cũng không nhiều, từ đầu năm đến nay chỉ có vài trăm khách. Vì thế, hiện chúng tôi chỉ nhắm đến các lễ hội lớn không quá đông đúc và có điểm lưu trú cho khách”.

Còn theo ông Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Luxury Travel, dù công ty hoạt động tại Hà Nội, địa bàn có khá nhiều lễ hội nhưng do khách hàng của công ty chủ yếu là khách hạng sang và khách nước ngoài nên công ty không dám đưa khách đi lễ hội trong nước vì không thể quản lý trước tình trạng hỗn loạn dẫn đến việc mất uy tín với khách. Bên cạnh đó, dường như các lễ hội Việt Nam không nhắm đến khách nước ngoài mà chỉ phục vụ một bộ phận nhỏ khách trong nước.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, chia sẻ vì có quá nhiều rủi ro (bát nháo, dịch vụ không chu đáo…) nên doanh nghiệp chấp nhận không chào bán tour lễ hội để không mất uy tín.

Cần sự phối hợp với doanh nghiệp

Theo các doanh nghiệp du lịch, nếu muốn các lễ hội thu hút du khách thì nhà tổ chức cần cải thiện nhiều hơn. ThS Trương Hoàng Phương, Giám đốc tiếp thị Công ty VietMark, phân tích việc các doanh nghiệp ngại các lễ hội đầu năm là quy luật tất yếu. Các lễ hội lớn nên gắn với công trình văn hóa cụ thể và việc tổ chức phải có không gian để khách tham quan. Vậy nhưng hiện tại, lễ hội lớn nào cũng na ná nhau nên thiếu nét văn hóa riêng của từng vùng miền. Thực tế các lễ hội lớn hiện nay chỉ có phần lễ mà thiếu phần hội. Bên cạnh đó, do tình trạng đông đúc đến mức hỗn loạn nên khách không thể hòa được vào văn hóa lễ hội. Nhiều du khách rất thích các lễ hội nhỏ nhưng nay một số lễ hội nhỏ đã bắt đầu biến tướng, mang nhiều màu sắc mê tín và bị lợi dụng trục lợi dẫn đến tình trạng xô bồ, mất đi giá trị văn hóa du lịch. Cho nên phía doanh nghiệp và các địa phương cần bắt tay nhau chặt chẽ nếu muốn có những tour du lịch lễ hội thật sự có giá trị.

Theo ông Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Luxury Travel, hiện còn một vấn đề khác đáng trăn trở là các nhà tổ chức đang thiếu sự phối hợp với doanh nghiệp. Để doanh nghiệp mạnh dạn đưa khách quốc tế đến các lễ hội cần phải có sự phối hợp giữa các bên... Ngoài đảm bảo các vấn đề về an ninh, ban tổ chức cần cho doanh nghiệp khảo sát, đồng thời phối hợp giữa các địa phương với nhau để xây dựng các tuyến du lịch liên kết có lưu trú, có điểm tham quan. Mới đây, Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh gần như chỉ là nơi để khách địa phương đến cầu may, không có nơi để du khách nghỉ ngơi…

Cần các lễ hội “đinh”

Theo một số doanh nghiệp du lịch, ngoài việc quản lý yếu, Việt Nam còn thiếu các lễ hội “đinh” thu hút khách.

Các nước khác có nhiều lễ hội hút khách nhờ cách tổ chức đặc sắc và chuyên nghiệp. Thậm chí có những lễ hội đã được quốc tế hóa, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch và đưa hình ảnh quốc gia đó đi khắp nơi. Cụ thể như: Lễ hội hoa anh đào (Nhật Bản), Lễ hội té nước Songkran (Thái Lan) hay Chol Chnam Thmay (Campuchia); Lễ hội bia Oktoberfest (Đức)... luôn được du khách thích thú tham gia.

_______________________________________________

Cũng có một số lễ hội lớn ở Việt Nam đã tạo được dấu ấn, cụ thể như Lễ hội hoa Đà Lạt, Festival Huế hay Lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang… Thế nhưng số lễ hội thực sự mang bản sắc văn hóa không nhiều. Làm trong ngành du lịch, tôi thường chứng kiến cảnh du khách nước ta rất thích và bày tỏ mong muốn được quay trở lại lần nữa một khi đã tham gia lễ hội té nước ở Thái Lan hay lễ hội Halloween ở Mỹ…

Bà NGUYỄN THỊ HOA LỆ, Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình

Thực chất ở Việt Nam không phải không có lễ hội du lịch có giá trị. Đơn cử như Festival Huế, cái hay của lễ hội này là ban tổ chức đã xây dựng được không gian du lịch rộng lớn, giới thiệu được các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống thực sự… Những lễ hội như thế có giá trị không hề thua kém sản phẩm du lịch của nước ngoài.

ThS TRƯƠNG HOÀNG PHƯƠNG,
Giám đốc tiếp thị Công ty VietMark

NHƯ VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm