DN chế xuất ngại lập chi nhánh

UBND TP.HCM vừa có kiến nghị  Thủ tướng Chính phủ xem xét lại Nghị định 164/2013. UBND TP cho rằng các KCX tại TP đã có hàng rào hải quan kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ra vào và tại từng khu có Chi cục Hải quan riêng để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của các DN nên không cần thiết yêu cầu các DN chế xuất lập chi nhánh riêng cho hoạt động mua bán hàng hóa. TP kiến nghị có quy chế đặc thù đối với DN chế xuất tại TP.HCM để tiếp tục thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa như trước đây.

Doanh thu không đủ để thành lập chi nhánh

Nghị định 164/2013 về khu công nghiệp, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế có quy định “Doanh nghiệp (DN) chế xuất được cấp giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài DN chế xuất, KCX để thực hiện hoạt động này”.

Ông Nguyễn Ngọc Dương, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Fuji Impulse Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản) trong KCX Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM), cho biết công ty chuyên sản xuất xuất khẩu máy móc, thiết bị. Để sản xuất máy móc thì công ty cũng phải mua khuôn từ các DN sản xuất khuôn. Đây là hoạt động bổ trợ cho hoạt động chính của công ty. Sau khi dùng khuôn sản xuất ra máy và bán máy đi thì còn dư lại khuôn và công ty bán lại các khuôn này. Ngoài khuôn còn có nhiều mặt hàng bổ trợ khác nữa. Với yêu cầu của Nghị định 164/2013 thì công ty phải lập chi nhánh ngoài KCX Linh Trung để bán lại các món này. Công ty không lập chi nhánh thì coi như tự triệt tiêu quyền mua bán lại của DN.

Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Võ Chí Trung

Nghị định 164/2013 cho phép DN được bán tài sản thanh lý vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông Dương cho biết các DN không mặn mà thủ tục thanh lý vì nó khá phức tạp. “Không kể việc hóa đơn chứng từ đầu vào - đầu ra, chỉ riêng việc lập ban thanh lý, thẩm định giá trị tài sản thanh lý thôi đã đủ phiền phức rồi. Nếu có thể mua đi bán lại thì thuận tiện hơn cho DN” - ông Dương chia sẻ.

Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban Quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết nhiều DN chế xuất đã phản ánh vướng mắc. Họ cho rằng nếu lập chi nhánh thì sẽ tốn chi phí, tăng nhân sự, phải thuê thêm kho bãi chứa hàng, thuê mặt bằng làm văn phòng. Trong khi đó, nhiều DN chỉ có nhu cầu bán lại sản phẩm phụ cho nội địa mà doanh thu từ bán sản phẩm phụ này không đủ để trang trải chi phí lập và vận hành thêm một chi nhánh.

Chưa có biện pháp quản lý khả thi

Ông Phước cho biết trước đây, quy định DN chế xuất chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Sau đó có chủ trương cho nhập khẩu hàng sản xuất tại chỗ thay thế cho hàng nhập khẩu nên mở ra cho DN chế xuất bán hàng vào nội địa. Thực tế có phát sinh một số tiêu cực khi DN bán vào nội địa, bỏ trốn, gây thất thoát thuế. Vì vậy mà có nhu cầu quản lý chặt chẽ hơn.

Đại diện một DN chế xuất cho biết Nghị định 29/2008 về khu công nghiệp, KCX, khu kinh tế không có quy định nào hạn chế quyền mua bán vào thị trường nội địa, dẫn đến việc nhiều DN mang tiếng “chế xuất” nhưng xuất ít mà bán nội địa thì nhiều. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhiều lần đặt vấn đề sửa Nghị định 29/2008 để thắt chặt việc mua bán nội địa này.

Ban đầu dự thảo sửa đổi giới hạn quyền mua bán của DN chế xuất bằng tỉ lệ doanh thu. Cụ thể, DN chế xuất được bán hàng hóa vào thị trường nội địa nhưng phải đảm bảo tỉ lệ doanh thu bán hàng vào nội địa không quá 10% doanh thu hằng năm của DN. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào DN, mặt hàng, tình hình kinh doanh từng năm khác nhau nên quy định cứng nhắc tỉ lệ xuất khẩu - tỉ lệ bán nội địa sẽ không hợp lý cho hầu hết DN. Mặt khác, ông Phước cho rằng quy định tỉ lệ bán hàng như vậy không phù hợp với các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì vậy mà Nghị định 164/2013 quản lý bằng cách yêu cầu DN lập chi nhánh để việc hạch toán rõ ràng, tránh thất thu thuế.

Theo ông Phước, vấn đề lập chi nhánh được giao cho Bộ Tài chính chủ trì, vì hoạt động mua bán này liên quan chủ yếu đến vấn đề làm thủ tục hải quan tại KCX. Các bộ, ngành cũng đã họp với DN chế xuất lấy ý kiến và DN cũng than vướng mắc, đến nay chưa rõ sẽ ra thông tư hướng dẫn lập chi nhánh như thế nào.

QUỲNH NHƯ

 

Không ưu đãi DN mua bán hàng hóa

Theo Luật Thương mại và Nghị định 23/2007 về hoạt động mua bán hàng hóa thì “Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa” là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối, khuyến mãi, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, môi giới thương mại, gia công trong thương mại... Theo Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương về hoạt động mua bán hàng hóa thì “các ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế và các ưu đãi tài chính khác áp dụng đối với việc sản xuất để xuất khẩu của DN chế xuất có vốn đầu tư nước ngoài không áp dụng đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm