Đề xuất giải pháp mới dự trữ gạo, tránh xù hợp đồng

Mới đây, trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Dự trữ, Cục Dự trữ khu vực Nam Tây Nguyên có thông báo kết quả đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia vừa mở thầu đợt 2 vào ngày 12-5.
Đáng nói, ba doanh nghiệp (DN) trúng thầu gồm Công ty TNHH Phát Tài, Công ty Mỹ Tường và Công ty cổ phần Lương thực Hà Tĩnh đều là những DN trước đó đã “xù” hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ nhà nước đợt đấu thầu trước đó vào tháng 3-2020.
Theo ý kiến các DN và chuyên gia, cần phải có chế tài xử phạt nặng những công ty “xù” hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia và quy định không cho tham gia các đợt đấu thầu tiếp theo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước Lê Văn Thời cho hay theo báo cáo nhanh của các Cục Dự trữ nhà nước khu vực, đến 10 giờ ngày 12-5, 22 Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã tổ chức mở thầu các gói thầu đủ điều kiện. Nhiều doanh nghiệp đã từ chối không ký hợp đồng cung ứng gạo cho Dự trữ quốc gia đợt I cũng tham gia đấu thầu lần này. Ông Thời nói pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm họ không được tham gia dự thầu.

Để tránh việc các doanh nghiệp trúng thầu lại bỏ thầu như trước đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước Lê Văn Thời nói: Căn cứ vào BLDS 2015, Luật Dự trữ Quốc gia 2012, Luật Đấu thầu 2013, các biện pháp chế tài sẽ được tiến hành là thu bảo lãnh dự thầu; nếu đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không giao đủ số lượng theo hợp đồng đã ký thì bị thu bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc chịu phạt tối đa bằng 8% giá trị không thực hiện và cấm tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm Luật Đấu thầu đã quy định.

Trong hồ sơ mời thầu, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ nhà nước khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu. Theo đó, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật đã quy định.

Cần chế tài ràng buộc
Việc các DN trúng thầu cung ứng gạo dự trữ quốc gia nhưng sau đó “xù” hợp đồng, giờ lại tiếp tục tham gia đấu thầu, theo ý kiến các DN, chuyên gia đó là do kẽ hở của luật, thiếu các chế tài nghiêm khắc.
Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nhiều DN “xù” không ký hợp đồng cung ứng gạo dự trữ đợt đầu giờ cũng dám tham gia đấu thầu lần 2 vì theo quy định của luật không cấm.
“Điều đó chứng tỏ quy định chế tài trong luật còn quá nhẹ, mức phạt tính trên giá trị hợp đồng còn quá thấp nên các DN này vẫn tham gia đấu thầu. Vì vậy, cần sửa đổi bổ sung quy định trường hợp các DN trúng thầu nhưng không thực hiện, không giao đủ số lượng gạo theo hợp đồng thì ngoài việc phải đóng phạt cao cần cấm tham gia đấu thầu một năm” - GS Xuân góp ý.

Cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng không thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt cũng cho rằng cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo dự trữ cũng như các lĩnh vực khác.
Theo ông Long, ngoài mức phạt DN trúng thầu "xù" hợp đồng phải tăng lên thì quy định mức ký quỹ tham gia đấu thầu cũng phải cao để buộc DN có trách nhiệm cung ứng gạo dự trữ.
Nên giao cho doanh nghiệp, địa phương dự trữ gạo
Nhiều ý kiến DN, địa phương cho rằng hiện đã có quy định các DN xuất khẩu gạo phải đảm bảo lượng gạo dự trữ 5% lượng gạo lưu thông hàng hoá theo Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Ông Trần Ngọc Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng có thể sửa đổi bổ sung Nghị định 107/2018. Chính phủ điều chỉnh mức dự trữ thì có thể nâng lên 15-20% là không cần tổ chức đấu thầu.
Theo ông Trung, Chính phủ sẽ giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính… có nhiệm vụ đi kiểm tra các kho DN đảm bảo dự trữ 15-20%. DN ký cam kết thực hiện dự trữ, phải báo cáo bộ hằng tháng, DN nào không báo cáo, kiểm tra thực tế kho không thực hiện dự trữ thì có chế tài xử lý.

Nhiều ý kiến cho rằng nên giao cho doanh nghiệp hoặc địa phương dự trữ gạo. 

Theo ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty gạo Cỏ May, nhiều nước không sản xuất lúa gạo nhưng vẫn thực hiện dự trữ gạo rất tốt không cần đấu thầu khi giao cho các doanh nghiệp thực hiện như Singapore. Các DN được giao dự trữ phải đảm bảo lượng gạo dự trữ tới 20% lượng gạo lưu thông hàng hoá. Ví dụ, DN muốn bán 100.000 tấn gạo ra thị trường thì phải giữ lại 20.000 tấn gạo trong kho để dự trữ đảm bảo an ninh lương thực.
“Để đảm bảo dự trữ lương thực thì quan trọng là cách kiểm soát, quản lý hiệu quả. Ngoài ra, chính phủ cần có chế tài thực sự nghiêm khắc để ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp thực hiện” - ông Tâm chia sẻ.
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho rằng chỉ cần giao nhiệm vụ dự trữ gạo cho các địa phương. Các địa phương phải thực hiện lưu kho đảm bảo an ninh lương thực chứ không cần giao cho kho của Tổng cục Dự trữ.
"Cứ phân bổ cho các địa phương, ai vi phạm có chế tài, các địa phương phải cam kết. Từ đó, các địa phương sẽ giao cho các DN thực hiện dự trữ gạo" - ông Đức nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm