Đề xuất bỏ 36 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 17-10, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh chỉ sửa 3 luật là: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng.

Đây là một dự luật mà Bộ trưởng Dũng, cũng như cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều hơn nữa các rào cản kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Các bộ, ngành không vì cái chung, nên rất khó làm luật".

Cụ thể, đối với Luật Đầu tư, dự thảo đề nghị sửa một số điều khoản liên quan đến đầu tư nước ngoài, hợp nhất một số thủ tục hành chính để đỡ tốn thời gian cho doanh nghiệp, tránh sự chồng chéo chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, dự luật này đề xuất bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hợp nhất 25 ngành, nghề vào 07 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề.

Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 218 ngành, nghề, giảm 49 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành.

Dự Luật cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 điều của Luật Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ một số vướng mắc trong việc mở và sử dụng tài khoản vốn của nhà đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa tiêu chuẩn của kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết và công ty do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; xác định rõ giá trị pháp lý của nghị quyết, biên bản họp đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị.

Đối với Luật Xây dựng, dự Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 điều nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và rút ngắn thời hạn cấp giấy phép xây dựng; phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với một số loại công trình; cắt giảm điều kiện hoạt động kinh doanh và hoạt động xây dựng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của Luật Xây dựng và Luật Quảng cáo liên quan đến hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.

Đáng chú ý, dự luật đề xuất sửa đổi Điều 102, Luật Xây dựng để rút ngắn thời hạn xem xét hồ sơ cấp giấy phép xây dựng xuống còn 20 ngày, thay vì 30 ngày như quy định hiện hành; và sửa đổi Điều 103 để phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt, thay cho Bộ Xây dựng như quy định hiện hành.

Bộ trưởng Dũng cho hay, hôm nay ông sẽ trình bày dự luật này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng Dũng cũng cho biết sau những nỗ lực của Chính phủ, cả ba dự luật là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sắp khai mạc.

Tại cuộc họp của UB Thường vụ của Quốc hội ngày 6-10, hai dự luật Quy hoạch và Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được những ý kiến trái chiều về tiến độ chuẩn bị cũng như chất lượng dự thảo.

Trả lời các ý kiến này, Bộ trưởng Dũng nói: ”Việc chuẩn bị chậm là có nhưng là do cách tổ chức thực hiện làm luật của ta chưa tốt. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo, mời họp nhiều lần các bộ, ngành liên quan. Nhưng các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu mang tính soi xét xem có ảnh hưởng đến bộ mình không chứ không mang tính xây dựng, không vì cái chung”.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm