Để chuỗi sản xuất, cung ứng hồi sinh trở lại

Việt Nam (VN) cần nỗ lực đưa các doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động với những ưu tiên cao nhất. Từ đó nhằm tránh gây gián đoạn và tổn thất cho sản xuất lẫn chuỗi cung ứng, duy trì vị thế là địa điểm hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Cần có sự hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh phải đóng cửa nhà máy. Ảnh: PM

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Reza Akbari và TS Majo George đang giảng dạy tại ĐH RMIT VN nhấn mạnh như trên. Hai vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng khi đang trong tiến trình kiểm soát dịch bệnh, VN cần có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ một cách nhanh nhất cho các DN hoạt động hiệu quả và đảm bảo nền kinh tế đi đúng hướng.

Giúp các nhà máy sớm hoạt động trở lại

. Phóng viên: Ông nhìn thấy đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này ảnh hưởng như thế nào đến chuỗi cung ứng và sản xuất của các DN VN?

TS Reza Akbari

+ TS Reza Akbari: VN đã chống dịch tốt qua ba lần dịch bệnh bắt đầu từ năm 2020. Tuy nhiên, với biến thể mới của COVID-19, lần dịch thứ tư khiến VN phải thực thi các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Điều này đang gây ảnh hưởng mạnh đến chuỗi sản xuất và cung ứng của các công ty VN.

Ví dụ nhiều công ty không đáp ứng được tiêu chí của mô hình “ba tại chỗ” cũng như hàng loạt điều kiện nghiêm ngặt khác nên đành phải đóng cửa, ngừng sản xuất, thiệt hại rất lớn. Ngay cả những nhà máy tại VN sản xuất các sản phẩm cho các hãng nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, New Balance… cũng không thể đáp ứng nổi các điều kiện trên nên buộc phải tạm dừng sản xuất.

Tập đoàn A.P.Moller - Maersk, một trong những nhà khai thác tàu container lớn nhất thế giới, cho biết hoạt động chuỗi cung ứng tại VN không còn thông suốt kể từ khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. Tương tự, DHL Supply Chain, một tập đoàn của Đức chuyên vận chuyển hàng hóa và cung cấp các giải pháp về logistics quốc tế, cũng nhận định rằng các công ty logistics tại VN không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu container để đóng hàng mà còn thiếu cả nhân viên xếp dỡ.

Điều này dẫn đến chuyện nhiều tàu phải neo ngoài khơi rất lâu, chờ vào nhận hàng tại VN hoặc phải bỏ tuyến đường VN để chuyển sang tuyến đường khác. Thậm chí không ít công ty chấp nhận chi phí đắt đỏ khi dùng máy bay chuyển hàng nhằm giải phóng hết hàng tồn kho.

. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ngay từ đầu nhưng vì sao đến nay Trung Quốc (TQ) vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu… tốt? Điều gì đã giúp họ có được thành công này?

+ TS Reza Akbari: Khi dịch bệnh bùng phát, TQ cũng phải mạnh tay để ngăn chặn đại dịch dẫn đến quý I-2020 nền kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng 6,8%. Nhưng quý đầu tiên của năm 2021, GDP của TQ đã tăng trưởng mạnh lên con số 18,3% so với cùng kỳ. Điều này nói lên rằng dù dịch bệnh nhưng bằng nhiều biện pháp hỗ trợ tốt cho DN đã giúp nền kinh tế TQ đạt nhiều thành công.

Họ đã đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng, gia hạn các khoản vay, giảm lãi suất và giảm thuế để hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh của họ. Nhờ đó giúp tránh được tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; tránh được tình trạng DN phá sản tràn lan, sa thải người lao động. Tất cả nỗ lực này đã đưa TQ trở thành một trong những nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng ổn định sau khi đại dịch bùng phát.

Để hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm khôi phục trở lại, tôi cho rằng VN cần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho hơn 70% dân số. Đồng thời VN cũng nên xem xét việc cấp hộ chiếu vaccine kỹ thuật số cho người dân đã được tiêm chủng vì điều này không chỉ giúp chính quyền giám sát dịch bệnh mà còn đưa nền kinh tế dần mở cửa trở lại.

Đặc biệt, Chính phủ cần ưu tiên cao nhất cho các nhà máy quay lại hoạt động càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho nhà sản xuất, xuất khẩu và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp hoạt động để các nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào VN và tiếp tục mở rộng đầu tư.

Giảm thiểu các tác động tiêu cực

. Giãn cách xã hội được mở rộng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và nhà đầu tư nước ngoài. Vậy làm sao để giảm thiểu các tác động tiêu cực của giãn cách?

TS Majo George

+ TS Majo George: Ai cũng nhìn thấy giãn cách xã hội kéo dài sẽ tác động đến hành vi tiêu dùng và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sau giai đoạn giãn cách xã hội, nền kinh tế của VN sẽ mở cửa trở lại trong tương lai không xa.

Hơn nữa, nhìn về các chỉ số kinh tế khá tích cực trong nửa đầu năm 2021 cho thấy VN đã thể hiện xuất sắc về khả năng thích ứng và chống chịu trước dịch bệnh. Trong tầm nhìn dài hạn, VN có tiềm năng tăng trưởng đáng kể hậu dịch bệnh, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của các hiệp định thương mại tự do.

Một điểm tích cực khác là dịch bệnh đang buộc nhiều công ty VN trở nên linh hoạt hơn để bắt kịp các cơ hội mới phát sinh, khi hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi. Chẳng hạn một số công ty đã cố gắng đối phó với tình hình hiện tại bằng các giải pháp phát triển sản phẩm mới, cũng như các giải pháp bán hàng và dịch vụ theo hình thức trực tuyến để duy trì hoạt động kinh doanh ở mức tối thiểu.

. Ông có khuyến nghị gì cho các công ty VN để có thể tồn tại trong hiện tại và phát triển trong tương lai?

+ TS Reza Akbari: Dù đang phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh nhưng tôi cho rằng đã đến lúc các công ty phải nghĩ đến việc làm thế nào để có thể sống chung với đại dịch. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện các biện pháp hiệu quả để đưa lực lượng lao động trở lại nhà máy làm việc an toàn, trên cơ sở thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa, tiêm chủng đầy đủ.

Đồng thời các công ty VN cần hướng mạnh tới sản xuất thông minh. Cụ thể là họ nên tập trung hơn vào việc triển khai công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), Blockchain, in 3D, drone, robot và 5G... Qua đó giúp mình chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ thách thức nào trong tương lai.

. Xin cám ơn hai ông.•

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc rất cao

Do biến thể Delta đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành ở VN khiến cho hệ thống sản xuất lẫn chuỗi cung ứng gián đoạn nên một số công ty đa quốc gia có thể phải suy nghĩ quay trở lại TQ. Vì hiện nay, dù cũng đối mặt với dịch bệnh nhưng TQ có mức tăng trưởng xuất khẩu lên đến 20%-40%/tháng.

Theo tính toán của chúng tôi, nếu chuỗi cung ứng của Ấn Độ và VN vẫn bị gián đoạn trong thời gian dài thì TQ sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu kéo dài đến sang năm 2022.

TS REZA AKBARI 

3 cách giúp vượt qua khủng hoảng

Để chuỗi sản xuất, cung ứng hồi sinh trở lại ảnh 4
Một công ty đang nỗ lực duy trì sản xuất, chế biến nông sản. Ảnh: PM

. Theo ông, từ góc độ nhà nước, lĩnh vực kinh doanh nào nên nhận gói cứu trợ để đạt được các mục tiêu phát triển sau dịch và duy trì khả năng cạnh tranh?

+ TS Majo George: Có ba giai đoạn chính để vượt qua các cuộc khủng hoảng. Đầu tiên cần giải cứu DN khỏi sự sụp đổ vì cạn kiệt nguồn thu. Sau đó khôi phục lại các hoạt động kinh tế nhằm tăng chi tiêu và thu nhập. Cuối cùng là tái cấu trúc các khoản nợ cho DN.

Nguồn hỗ trợ nên ngay lập tức đổ vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ như vận tải và du lịch…, những ngành đang bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch bệnh. Cũng cần lưu ý lĩnh vực nông nghiệp sẽ đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế VN, do vậy cần có sự kịp thời.

Bên cạnh những lĩnh vực chính này, trụ cột của nền kinh tế VN có tác động trực tiếp đến nhiều người dân là khu vực DN vừa và nhỏ. Nhóm DN này cần được sự quan tâm khẩn cấp và hỗ trợ rộng rãi của Chính phủ để khôi phục hoạt động và giúp hàng triệu lao động có việc làm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm