ĐBSCL: Cam kết cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách

Trong các ngày 17 và 18-7, khi có thông tin toàn vùng ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội, ở nhiều địa phương trong vùng xảy ra tình trạng người dân ùn ùn kéo nhau đi mua hàng hóa thiết yếu để tích trữ. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng này đã không còn. 

Người dân Cần Thơ mua sắm tại siêu thị trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Hải Dương

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, hệ thống chợ truyền thống, các siêu thị hàng hóa vẫn dồi dào, đảm bảo cung cấp cho người dân. Thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh vẫn cho phép các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa (như các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã được cấp phép...) song phải đảm bảo quy tắc 5K.

Trong 14 ngày tới, các siêu thị Co.op Mart, Go và chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn Bến Tre cam kết đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng. Hiện siêu thị Co.op Mart Bến Tre đã có kế hoạch dự trữ 45 tấn gạo, 50 tấn rau củ, gia vị các loại 20 tấn, hàng đông lạnh 7 tấn. Co.op Bến Tre cũng cam kết không tăng giá, bán hàng với giá bình ổn, có khuyến mãi giảm giá theo từng thời điểm, triển khai các hoạt động bán hàng trong tình hình giãn cách. 

Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết sáng cùng ngày Sở đã tổ chức ba đoàn kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, thị trường hàng hóa lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Trong chiều tối 17-7 và sáng 18-7, sức mua của người dân tăng khoảng 50% ở một số mặt hàng thiết yếu, như: rau, củ, mì gói, thịt heo, đường cát,... Tại một vài chợ có thời điểm hút hàng, thiếu cục bộ. Tuy nhiên, đến chiều 18-7 sức mua giảm do hàng hóa được kịp thời bổ sung cho các chợ, siêu thị, cửa hàng. Sở đã có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và lập các đoàn để kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý để trục lợi.

Ông Phong cho biết trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, Hậu Giang không tạm dừng hoạt động của các chợ truyền thống và tại các chợ cũng đã xây dựng phương án để phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ bố trí lắp đặt camera giám sát tại các khu vực chợ có nguy cơ cao, đồng thời, lập danh sách quản lý thông tin của tiểu thương gửi UBND các địa phương và các cơ quan y tế liên quan. Mặt khác, yêu cầu tiểu thương và người dân khi mua sắm tại chợ phải thực hiện nghiêm 5K, ghi lại lịch trình tiếp xúc hàng ngày...

“Tùy vào điều kiện của từng nơi, chúng tôi sẽ tận dụng mặt bằng ở các chợ để tổ chức buôn bán. Bên cạnh việc bán giãn cách trong chợ thì sẽ nghiên cứu thêm kẻ ô, kẻ vạch lòng lề đường, vỉa hè đảm bảo khoảng cách khi mua hàng. Ngay trong ngày mai Sở sẽ khảo sát 10 điểm bán hàng lưu động giá bình ổn trên địa bàn tỉnh, để kịp thời phục vụ người dân trong thời gian áp dụng giãn cách” – ông Phong cho biết thêm.

Người dân mua hàng tại điểm bán hàng bình ổn giá tại Trung tâm xúc tiến thương mại Cần Thơ. Ảnh: Hải Dương

Ở TP Cần Thơ, thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ các chợ truyền thống chợ tạm, chợ tự phát phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Người dân ở một số quận trung tâm trên địa bàn Cần Thơ như Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng được phát phiếu đi mua hàng thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Đồng thời, TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét đưa chợ xuống phố hoặc tổ chức siêu thị di động, đồng thời đã khảo sát để đưa hàng vào khu vực sân vận động để cung ứng khi xảy ra tình huống một số siêu thị phải tạm thời đóng cửa.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ khẳng định sẽ đảm bảo bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và bán đúng giá cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. 

Còn tại Cà Mau, các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị vẫn tiếp tục hoạt động và các nơi này đều có phương án phòng chống dịch. Người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm việc đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người, tổ chức buôn bán phải đảm bảo khoảng cách an toàn, có phân luồng lối vào, lối ra riêng... Ngành chức năng của Cà Mau đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, lương thực và không để xảy ra tình trạng tập trung đông người tại các chợ, siêu thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm