Đầu tư nước ngoài vào VN: Sắp có "sóng" lớn

Đây là dự báo khá lạc quan của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Sự trỗi dậy mãnh liệt của làn sóng đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào VN đang cho thấy VN là điểm đến hấp dẫn.

"No" dự án

Tính đến ngày 22.9.2007, Cục ĐTNN đã đưa ra con số 1.045 dự án ĐTNN cấp mới kể từ đầu năm, với tổng mức đầu tư 8,3 tỉ USD, đồng thời có 274 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1,3 tỉ USD, nâng tổng số vốn thu hút của cả nước lên 9,6 tỉ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký.

Các dự án đều có quy mô lớn và tương đối lớn, đối tác là những tập đoàn lớn, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực công nghệ cao như TĐ Foxconn (Đài Loan) đầu tư dự án sản xuất điện tử kỹ thuật cao, với tổng vốn kỷ lục 5 tỉ USD tại Bắc Ninh, Bắc Giang.

Tổ hợp hoá dầu Naphtha Cracking và xây dựng hạ tầng KCN Hoà Tâm (Phú Yên) của Cty hoá chất SPC (Singapore) đã làm lễ khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 5,3 tỉ USD.

Ngoài ra, một loạt các dự án lớn khác trong các lĩnh vực CN nặng, kinh doanh bất động sản (xây dựng khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê...) được cấp phép thời gian qua đã dấy lên làn sóng các NĐT tìm đến VN như một địa chỉ tin cậy.

Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục ĐTNN - cho biết: Các địa phương hiện đang thương thảo với các NĐT rất nhiều dự án lớn và có một số dự án có khả năng sẽ được cấp phép vào những tháng cuối năm.

Tăng lực để tiếp nhận dự án lớn

Các dự án có quy mô đặc biệt lớn được xúc tiến đầu tư, đồng thời cũng đang đặt ra những thách thức để đáp ứng tối ưu nhu cầu của NĐT.

Tại một hội thảo mới đây lấy ý kiến của các nhà ĐTNN về những cam kết đầu tư của VN khi gia nhập WTO, nhiều NĐT đã bày tỏ những quan ngại về hệ thống hạ tầng cơ sở chưa phát triển và việc chưa chuẩn bị sẵn sàng về đất đai (đặc biệt đối với các dự án lớn cần mặt bằng sản xuất rộng), việc giải phóng mặt bằng, đền bù, di dời và tái định cư dân khu vực đầu tư còn nhiều bất cập, đã hạn chế việc triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Một số dự án còn phải chờ lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về sự phù hợp với quy hoạch, xem xét các lĩnh vực đầu tư có điều kiện dẫn đến thời gian cấp chứng nhận đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến quyết định của NĐT cũng như việc tiếp nhận đầu tư của các địa phương.

Thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các luật mới, tạo tính đồng bộ và minh bạch của hệ thống pháp lý, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, bản thân các địa phương cần đẩy nhanh quá trình đàm phán với NĐT để sớm đi đến quyết định đầu tư.

Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của địa phương (đất đai, GPMB...) cần được các địa phương tập trung giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền, địa phương trình lên Chính phủ giải quyết.

Đối với vấn đề hạ tầng yếu kém, ông Thắng cho biết: Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích mọi nguồn lực, kể cả trong và ngoài nước, đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cấp điện, nước, có như vậy mới giải quyết được cơ bản vấn đề hạ tầng - vốn đang bị NĐT kêu ca nhất hiện nay.

Dự án sản xuất máy tính xách tay Compal (Đài Loan) 500 triệu USD đặt tại Vĩnh Phúc; dự án đóng tàu biển cỡ lớn tại vịnh Vân Phong của TĐ STX (Hàn Quốc) 500 triệu USD; các dự án khu đô thị dịch vụ Vạn Thắng; khu du lịch sinh thái Bãi Cát Thắm (Khánh Hoà); dự án nhiệt điện BOT Mông Dương 2 (Quảng Ninh), BOT nhiệt điện than miền Nam (Bình Thuận), tổng mức đầu tư mỗi NMĐ khoảng 1,4 tỉ USD; nhà máy NĐ than Vân Phong (Khánh Hoà), tổng vốn đầu tư 3,8 tỉ USD đã được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư.

Hiện Bộ Công Thương và NĐT các dự án nhiệt điện đang đàm phán, chuẩn bị hợp đồng... Nếu các dự án này sớm được thông qua thì việc cấp phép chỉ còn là vấn đề thời gian...

Quỳnh Trang ( Theo Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm