Đầu tư nước ngoài bằng cả năm năm trước đó

Hôm qua (11-1), tại Hà Nội, diễn đàn thương mại và đầu tư đã mở màn cho các chương trình kỷ niệm tròn một năm ngày Việt Nam gia nhập WTO. Tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ghi nhận những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, đa số doanh nghiệp và ngành hàng của Việt Nam, kể cả sản xuất và dịch vụ đã bước đầu tỏ ra có đủ khả năng đối phó với các thách thức. Bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phát triển rất ngoạn mục, chiếm 56,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng ấn tượng nhất là nguồn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2007 bằng cả năm năm (2000-2006) trước đó. Lý do chính mà các nhà đầu tư nước ngoài nói là họ có mặt ngày càng nhiều ở Việt Nam là do Việt Nam trở thành thành viên của WTO.

Trong lĩnh vực thương mại cũng có rất nhiều thành tích, đó là tăng hơn 22%. Tuy rằng có thấp hơn năm 2006 nhưng nếu chúng ta nhìn vào tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới cũng chỉ tăng hơn 6%. Đây là sự phấn đấu quyết liệt của nền kinh tế Việt Nam.

Thách thức sẽ căng hơn

Bên cạnh những cơ hội to lớn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết năm đầu tiên thực thi cam kết WTO cũng đã bộc lộ phần nào những thách thức to lớn mà chúng ta phải đối phó. Nhập siêu ở mức hai con số, cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường giao thông, cảng, điện... trở nên quá tải. Tình trạng thiếu lao động trình độ cao trong hầu hết các ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ đang kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tạo ra ít giá trị gia tăng, kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Với 20,3 tỷ đồng là thắng lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài nhưng ông Ngô Quang Xuân cũng cho rằng vốn thực hiện còn quá hạn chế, mới chỉ đạt được 30% vốn cam kết. Các dự án sẽ tác động rất tích cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta phải tính đến việc nâng cao tốc độ giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, ngoài những dự án đầu tư chiến lược hay thu lời nhanh thì cũng phải tính đến những dự án khu vực nông thôn. Hiện vốn đầu tư rót vào khu vực này mới chỉ đạt 3% là quá thấp.

Một khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đương đầu mà theo ông Ngô Quang Xuân là nguồn nhân lực, trình độ quản lý và tay nghề cao còn rất thiếu. Hiện mới chỉ có 30% lực lượng lao động được đào tạo. Ngay cả Hà Nội và TP.HCM với hơn nửa triệu lao động có bằng cấp thì cũng chỉ có 37% được đào tạo sơ cấp, 41% có trình độ đại học...

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp ông Hoàng Thế Liên:

Tiếp tục rà lại các văn bản luật

Năm vừa qua, chúng ta tích cực hoàn chỉnh vừa ban hành luật mới với hơn 30 luật. Sắp tới đây, việc thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới có điều chỉnh nhất là các vấn đề liên quan đến thị trường tiền tệ, tài chính sẽ rất thuận lợi. Để thực hiện tốt các cam kết WTO trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật đã được ban hành theo cam kết WTO.

Ông Nguyễn Hoàng Lưu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Khó tìm được đối tác tại Việt Nam

Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là năng lực cạnh tranh sau khi gia nhập WTO, thể hiện rất rõ ở hàng hóa, chất lượng sản phẩm còn thấp, mẫu mã đơn giản do Việt Nam thiếu công nghệ, thiếu mặt bằng sản xuất.

Đặc biệt là tính liên kết kinh doanh, tính hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam rất thấp. Biểu hiện là các doanh nghiệp nước ngoài cần đầu tư vào Việt Nam thì phải có các đối tác mà đối tác đó phải tương xứng với họ. Thế nhưng hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài đều than phiền là họ khó khăn khi tìm được đối tác ở Việt Nam.

- 99% doanh nghiệp đánh giá gia nhập WTO mang lại những thay đổi quan trọng trong chính sách kinh tế của Việt Nam.

- 84% doanh nghiệp cho rằng quan hệ giữa Chính phủ với khu vực tư nhân đã có thay đổi tích cực, thể hiện việc Chính phủ thừa nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế.

- 56% doanh nghiệp đánh giá Chính phủ đã thi hành các chính sách kinh tế hiệu quả hơn.

(Nguồn: Dự án hỗ trợ thương mại đa biên)

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm