Loay hoay đối đầu với hàng ngoại giá rẻ - Bài cuối

Đầu tư nghiên cứu khoa học cho nông sản

Đầu tư nghiên cứu khoa học cho nông sản ảnh 1
 
GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, cảnh báo: “Viễn cảnh cho ngành chăn nuôi và một số mặt hàng nông nghiệp khác trong nước sẽ còn đen tối hơn khi “cơn bão” thịt ngoại, nông sản ngoại giá rẻ ồ ạt nhập. Áp lực càng lớn khi thuế suất nhập khẩu bằng 0 theo các hiệp định thương mại Asean+, TPP...”. Để rõ hơn về những nhận định trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS-TS Võ Tòng Xuân.

“Xem thường” nghiên cứu khoa học

. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến một số mặt hàng thực phẩm và nông sản nước ta giá thành lại cao hơn các nước trong khu vực?

+ Thực ra không phải là tất cả mọi thứ hàng nhập vào nước ta đều có giá thấp. Dư luận đang quan tâm chỉ một số mặt hàng quan trọng như đường, thịt bò Úc, gà Argentina, đậu nành và bắp Brazil, Mexico và Mỹ. Chúng ta biết đường của Việt Nam giá luôn cao hơn Thái Lan vì đây là mặt hàng được Nhà nước Việt Nam bảo hộ. 1 kg đường Thái Lan giá thành chỉ khoảng 8.000 đồng trong khi Việt Nam thì giá thành là 11.500-12.500 đồng. Giá cao của mía là do xuất phát từ cả nông dân và nhà máy. Những khó khăn này có thể giải quyết nếu nông dân và nhà máy có đầy đủ kỹ thuật hiện đại để trồng mía có năng suất cao với chữ đường cao và chế biến hiệu suất cao. Thực tế chúng ta hầu như quên lãng đầu tư cho nghiên cứu khoa học của ngành mía đường Việt Nam. Trong khi Thái Lan đầu tư cho ba trường đại học đào tạo và nghiên cứu ngành mía đường, Tập đoàn Mía đường tư nhân Mitr Phol của họ hằng năm bỏ ra khoảng 15 triệu USD để nghiên cứu các khâu kỹ thuật cây mía. Các sản phẩm chăn nuôi của ta thua sản phẩm nước ngoài cũng tương tự như thế. Công ty CP của Thái Lan đã hợp tác với Công ty Gia cầm Arbor Acres của Mỹ từ năm 1970, sau đó đã mua lại toàn bộ công ty này, họ mướn các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại trung tâm nghiên cứu của CP, trả lương rất cao.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch mía giúp DN giảm hơn 20% chi phí. Ảnh: QH

Tôi có dịp viếng Trung tâm CP tại Bangkok vào năm 1983, rất có ấn tượng với cách quản lý của khu vực tư nhân này. Công thức thức ăn chăn nuôi của CP đánh bật các công ty thức ăn gia súc khác. So với thức ăn chăn nuôi của ta, mình cũng có nghiên cứu nhưng không thấm tháp vào đâu vì không công ty chăn nuôi nào dám đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đành phải mua của Công ty CP hoặc Cargill vừa rẻ vừa làm cho gia cầm mau lớn.

 . Xin ông cho biết cụ thể hơn về những mối nguy đối với khi cơn bão hàng ngoại giá rẻ tràn vào theo các hiệp định thương mại?

+ Đây là mối nguy có thật và chắc chắn sẽ đến. Hàng hóa của các nước thành viên sẽ nhập vào Việt Nam với giá rẻ hơn hàng nội thì dù chúng ta có hô to khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” nhưng hàng Việt Nam chất lượng thấp hơn và giá đắt hơn thì làm sao dân Việt Nam nai lưng ra gánh được! Do đó mọi thành phần trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của chúng ta cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Chỉ một vài dự án nâng cao năng lực cạnh tranh lẻ tẻ ở một vài nhóm nông dân chỉ là “trò đùa”. Chúng ta có Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng hoạt động của hội đồng ra sao thì rất ít ai biết. Đây là vấn đề mà Đảng và Nhà nước cần khẩn trương tập trung chỉ đạo.

Vẫn có cơ hội

. Theo ông, Việt Nam nên chấp nhận nhường sân nhà trước áp lực giá của hàng ngoại hay còn cách nào để cạnh tranh lại?

+ Tôi tin rằng chúng ta có thể cạnh tranh với các nước khác nếu có quyết tâm của những người tham gia chuỗi giá trị, bắt đầu từ các vị lãnh đạo cấp cao cho đến người nông dân sản xuất nguyên liệu nông sản. Một ví dụ điển hình là hiện nay ngành mía đường đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học để trong vài năm tới sẽ có giống mía năng suất cao và chữ đường cao, và kỹ thuật trồng mía hiện đại trên từng vùng sinh thái để cho nông dân áp dụng sản xuất, trong khi các nhà máy đường chuẩn bị cải tiến thiết bị để tăng hiệu quả chế biến đường.

. Ngành nông nghiệp đã tích cực tái cơ cấu, liệu đây có phải là giải pháp giúp thực phẩm, nông sản Việt Nam có thể giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh?

+ Chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp là đúng, tuy đã quá trễ nhưng có còn hơn không. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã khẳng định thêm sự đổi mới tư duy của lãnh đạo để toàn xã hội phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Nói là như thế nhưng thực hiện các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, các đơn vị và từng cá nhân lao động Việt Nam đòi hỏi toàn xã hội phải đổi mới tư duy mới tổ chức được. Mọi người phải thấy và làm việc cho lợi ích quốc gia là trên hết chứ không phải là lợi ích cục bộ của nhóm mình.

. Xin cảm ơn ông.

QUANG HUY

Tận dụng phòng vệ thương mại

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, các DN Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Những biện pháp này được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng, trong đó việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp là những biện pháp tốt chống lại các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Những biện pháp này còn giúp DN có một cái nhìn tổng quát về thị trường, qua đó xây dựng chính sách kinh doanh cho phù hợp với các cam kết gia nhập WTO.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm