Đầu tư dàn trải vốn trái phiếu Chính phủ: Chưa ai chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này lại chưa cao, gây lãng phí lớn và làm mất niềm tin trong nhân dân. Vấn đề cũng đang được các đại biểu Quốc hội đưa ra mổ xẻ.

. Phóng viên: Quan điểm riêng của ông về vấn đề vốn trái phiếu CP bị sử dụng lãng phí như các đại biểu đã đề cập?

Đầu tư dàn trải vốn trái phiếu Chính phủ: Chưa ai chịu trách nhiệm? ảnh 1
+ Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Trước hết, phải nói rằng việc đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu CP cũng có đem lại sự thay đổi lớn cho các vùng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao mạng lưới thủy lợi, các bệnh viện huyện, tỉnh… Nhưng sau một thời gian thực hiện đã phát sinh một số vấn đề. Điển hình là phải tăng tổng mức đầu tư khá cao, đến 67% trong vòng bảy năm qua, tương đương 685.000 tỉ đồng; có khoảng 800 dự án chưa hoàn thành đúng tiến độ để đưa vào sử dụng… Chính việc này đã gây ra lãng phí lớn.

Nguyên nhân theo tôi là do chất lượng quy hoạch, khảo sát thiết kế kém, năng lực tư vấn hạn chế hoặc có sai phạm trong quy trình thẩm định dự án. Nhưng có lẽ cốt yếu là việc đã để đầu tư quá dàn trải trong khi nguồn vốn có hạn, nhiều địa phương chỉ chạy theo thành tích, buông lỏng việc phân cấp quản lý vì cho rằng vốn trái phiếu là vốn ngoài ngân sách Nhà nước nên tranh thủ có được thì càng tốt...

. Vậy ai phải chịu trách nhiệm khi nguồn vốn này bị đem đi đầu tư dàn trải?

+ Điều đáng tiếc là hiện nay luật gắn với việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phụ trách chưa rõ ràng. Trong tuần này, Quốc hội sẽ tiếp tục bàn về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hy vọng việc bàn sâu về luật này hơn nữa sẽ cho ra đời một cơ chế giám sát đầu tư công hiệu quả, có xử lý trách nhiệm nếu sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả.

. Một số đại biểu cho rằng không nên tiếp tục tăng phát hành trái phiếu CP trong khi con số nợ công của ta không hề nhỏ? Ý kiến của ông như thế nào?

+ Ý kiến riêng của tôi, đặt trong bối cảnh kinh tế đang suy giảm, là Quốc hội nên đồng ý cho CP phát hành thêm một lượng trái phiếu mà không làm gánh nặng cho nợ công, khoảng 30.000-40.000 tỉ đồng/năm. Như vậy, trong ba năm có thể phát hành thêm 100.000 tỉ đồng để chọn dự án cần thiết và đầu tư hiệu quả. Việc này vẫn đảm bảo mức nợ công đến năm 2015 dưới 65% GDP.

. Xin cảm ơn ông.

Phải có đề án tái cấu trúc đầu tư công

Tôi cũng ủng hộ quan điểm tăng phát hành trái phiếu CP. Song tôi đề nghị cần có một đề án tái cấu trúc đầu tư công. Không thể phát hành trái phiếu CP, đẩy cao mức nợ công một cách vô điều kiện mà không hề có sự cải cách mạnh mẽ về đầu tư công. Cần phải có một chế độ trách nhiệm cá nhân rõ ràng, trách nhiệm giải trình, quy trình xét duyệt đề án cụ thể…

Tôi hoan nghênh một số đại biểu Quốc hội có thái độ mạnh mẽ, không chấp nhận lãng phí nguồn vốn trái phiếu CP. Tuy nhiên, vấn đề mới chỉ dừng ở lời kêu gọi, sự phê phán chứ chưa đi đến hành động. Vấn đề bây giờ là phải hành động cương quyết và thật hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm