Đầu tư công như ‘máy trợ thở’ cho kinh tế giữa COVID-19

Nhưng vẫn có niềm tin rằng dịch bệnh sẽ qua đi, kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy do các yếu tố nền tảng còn rất tốt nhưng thời điểm này, theo các chuyên gia, đầu tư công nên có sự quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”.

Những thách thức

Đứng đầu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Đăng Hồng Anh có cái nhìn khá rõ nét về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp: “Mọi hoạt động của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và thấm đòn trước dịch bệnh. Mặt khác, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm đối phó với trường hợp này và khá mông lung với tình hình tương lai”.

Với các doanh nghiệp đang quản lý, ông Anh cho biết giờ đây một số đang chật vật xoay xở, tìm các giải pháp giảm chi phí tránh thua lỗ, một số phải để rơi vào tình trạng “ngủ đông”.

“Vì trách nhiệm xã hội, chúng tôi phải đóng cửa các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, khách sạn. Tuy nhiên, cũng đã tận dụng các khách sạn thành khu cách ly làm nơi ở cho các y bác sĩ BV Nhiệt đới TP.HCM để họ có nơi nghỉ ngơi, tránh lây nhiễm cho gia đình nhằm phục vụ tốt hơn cho việc chống dịch. Tôi vui vì tận dụng được thời gian ngủ đông này để hỗ trợ Bộ Y tế” - ông Anh nói.

Là một tư lệnh ngành, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá hiểu những khó khăn mà mọi doanh nghiệp đang đương đầu. Theo ông Dũng, dịch bệnh đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu, làm giảm cả cung và cầu trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nhiều lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho biết với việc kinh tế có độ mở khá cao nên không có gì ngạc nhiên khi bất kỳ một biến động nào bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến Việt Nam. Đặc thù ở Việt Nam là để xuất khẩu thì doanh nghiệp phải nhập khẩu rất nhiều. Bởi vậy, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ vì dịch bệnh, các doanh nghiệp chật vật sản xuất cầm chừng khi nguồn nguyên liệu đầu vào dần cạn kiệt.

Mặt khác, tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tương đối cao, trong khi đây lại là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh và suy thoái kinh tế.

Cùng quan điểm, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital, cho biết Việt Nam có độ mở nền kinh tế khá lớn nên cũng bị ảnh hưởng theo tác động suy giảm kinh tế toàn cầu vì dịch COVID, nhưng Việt Nam vẫn có thể vượt qua cơn bão và khôi phục sau khi dịch bệnh dập tắt vì có nhiều điều kiện nền tảng khá tốt.

“Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức. Tuy nhiên, dịch bệnh rồi sẽ kết thúc nên cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội để thay đổi và phát triển theo xu hướng là tập trung vào thị trường trong nước trước để tạo lực và vươn ra thị trường nước ngoài” - ông Dũng cho biết.

Cầu Rạch Chiếc 2, một dự án lớn trong dịch COVID, đang được thi công gấp rút để hợp long.

"Máy trợ thở"

Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế đang gặp khó thì lúc này, đầu tư công sẽ là bệ đỡ cực tốt để hỗ trợ mọi ngành nghề cùng phát triển.

Trong một báo cáo mới phát hành với chủ đề “Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020)”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết sự lan truyền dịch bệnh COVID và tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam ở cả cú sốc cung lẫn cú sốc cầu. Điều này đã dẫn đến quý đầu tiên của năm 2020, GDP Việt Nam chỉ còn 3,8% trong khi cùng kỳ là 6,8%.

ADB cũng nhấn mạnh, dù gặp tác động to lớn từ COVID-19 nhưng nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào giữa năm 2020, tăng trưởng GDP sẽ quay trở lại tăng lên 6,8% trong năm 2021, và con số này sẽ duy trì bền vững và khả năng mạnh lên trong trung và dài hạn.

"Môi trường kinh doanh vẫn đang tiếp tục được cải thiện. Việc giải ngân đầu tư công tăng lên đáng kể gần 18% trong tháng 1 và 2-2020 so với cùng kỳ. Và việc giải ngân đầu tư công tiếp tục mạnh mẽ vì đây là biện pháp ưu tiên trong việc chống dịch COVID-19" - ADB nhận xét.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Ngân hàng BIDV, nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn.

Tiến sĩ John Walsh, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết đầu tư công có thể được xem là giải pháp tốt hiện nay để tạo ra hiệu ứng lan tỏa nền kinh tế. Đầu tư công có thể tập trung vào cơ sở hạ tầng vật chất, vì xây dựng là quy trình thường cần rất nhiều lao động và hiện có nhiều dự án như vậy ở Việt Nam nên sẽ rất hữu ích để bắt đầu.

Nếu không đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, chẳng hạn như nhiều dự án thuộc Mạng lưới Đường cao tốc châu Á đang được xây dựng dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, thì có thể đầu tư vào ngành giáo dục, ví dụ như đầu tư cải tạo các trường tiểu học trên cả nước.

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, các chính sách đầu tư công cần nhắm vào hai mục tiêu vừa kích thích kinh tế, vừa giúp bồi dưỡng năng lực khi hồi phục. Theo đó, các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (5G), năng lượng tái tạo, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà hiện nay do thiếu vốn nên ngưng trệ, chậm tiến độ, các nền tảng giáo dục trực tuyến, khám bệnh từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử nên được xem là các ưu tiên đầu tư.

“Nhà nước cần đầu tư vào việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất vaccine chống Covid-19 thay vì trông chờ vào thị trường và lòng tốt của người khác. Nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta sẽ làm chủ đường cong miễn dịch chứ không chỉ là đường cong nhiễm dịch” - Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một trong các dự án nằm trong tuyến cao tốc Bắc-Nam đã đi vào hoạt động. Ảnh: V.LONG

Theo Công ty Chứng khoán KBSV, tính đến thời điểm này, Chính phủ đã có một số hành động chuẩn bị, bao gồm thúc đẩy các dự án đầu tư công đã được phê duyệt và chuyển những dự án BOT sang đầu tư công để có thể thực hiện nhanh.

Các lĩnh vực đầu tư sẽ tập trung nhiều trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục nhằm hạn chế thất thoát và rút kinh nghiệm từ giai đoạn 2000-2007 trước đó. Tổng số vốn giải ngân trong năm 2020 ước tính khoảng gần 700.000 tỉ đồng, bao gồm giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Theo tính toán từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm và trong trường hợp năm nay giải ngân được 100% thì GDP sẽ tăng 0,42 điểm phần trăm. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm