Dập tắt tin đồn giá gạo tăng

Giá gạo từ giữa tháng 8 đến nay liên tục tăng cao. Điều này có phần bắt nguồn từ việc các đối tượng đầu cơ trong nước và nước ngoài đã tung ra những tin đồn thất thiệt. Đó là nội dung được ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), đưa ra tại buổi họp báo tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cuối năm 2011 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 24-8, tại Hà Nội.

Chỉ là tin đồn thất thiệt

. Đâu là nguyên nhân dẫn tới cơn sốt lúa gạo ở các tỉnh phía Nam trong thời gian qua?

+ Ông Trương Thanh Phong: Đến thời điểm này, các DN gạo đã tiêu thụ hết gạo của nông dân với giá trung bình 6.500-7.000 đồng/kg lúa khô, lợi nhuận bình quân tăng hơn 70%. Tuy nhiên, từ giữa tháng 8 đến nay, giá lương thực tăng cao khiến thị trường gặp nhiều biến động.

Có ba nguyên nhân dẫn tới giá lúa gạo tăng cao. Thứ nhất, giá gạo xuất khẩu của VN cao hơn Thái Lan nên một số đối tác đã chuyển qua nhập gạo Thái Lan. Thứ hai, trong bối cảnh đó, một số DN đã nhận được các tin nhắn mang nội dung thất thiệt như giá gạo còn tăng lên 400 đồng/kg làm xuất hiện tình trạng đầu cơ, gom hàng. Hay như tin đồn chúng ta ký với Indonesia 500.000 tấn vào ngày 18-8 và sau đó thêm 300.000 tấn nhưng thực chất là Indonesia ký với Thái Lan vì giá gạo Thái Lan thấp hơn VN. Thứ ba, chính phủ mới của Thái Lan quyết định nâng giá hỗ trợ lúa cho nông dân từ 11.000 baht lên 15.000 baht/tấn đã tác động lớn đến gạo xuất khẩu của VN.

. Tại sao Bộ Công Thương và các ngành không can thiệp sớm khi nguồn cung dồi dào và để xảy ra tình trạng sốt giá?

+ Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên: Chúng ta điều hành linh hoạt, không duy trì mặt bằng giá thấp với nông dân, giá cao với nhà xuất khẩu. Trong lúc giá lúa gạo tăng cao, nông dân phải được hưởng đầu tiên chứ không thể ghìm giá trong nước. Thị trường tăng giá thì không có cớ gì đi ghìm giá xuất khẩu để các nước khác hưởng lợi. Chúng ta phải tuân thủ quy luật thị trường.

Dập tắt tin đồn giá gạo tăng ảnh 1

Từ nay đến cuối năm sẽ không có hiện tượng gạo sốt giá và không thiếu gạo.Ảnh: HTD

Không để sốt gạo như năm 2008

. Theo một số nguồn tin, Thái Lan đang áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương đã tính đến phương án để tránh bài học 2008, khi mà giá gạo đang lên 800 USD/tấn, người dân không bán được, để đến khi giá gạo xuống 400 USD/tấn mới tìm cách kích cầu?

+ Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên: Bộ Công Thương chưa nắm được thông tin Thái Lan hạn chế xuất khẩu gạo. Nếu họ áp dụng, chúng tôi sẽ xem xét đối phó với diễn biến thị trường để không ảnh hưởng đến quyền lợi DN, nông dân. Từ giữa tháng 8 tới nay, giá gạo xuất khẩu tăng khiến tiêu thụ gạo trong nước khó khăn. Ngoài ra, trên thị trường xuất hiện tin đồn thất thiệt, một số thương lái đã đầu cơ gạo trong nước để kích giá. Bộ Công Thương sẽ rút bài học năm 2008 là không để giá lúa gạo tăng đột biến. Đồng thời, VN cũng không ghìm giá trong nước mà duy trì mặt bằng giá phù hợp với người sản xuất và nhà xuất khẩu.

Trong nước không thiếu gạo

. Tình hình sản xuất, kinh doanh gạo trong nước hiện nay ra sao?

+ Ông Trương Thanh Phong: Tính đến ngày 23-8-2011, VN đã xuất hơn 4,9 triệu tấn, tăng hơn 11% số lượng so với năm 2010. VFA dự tính xuất khẩu gạo của VN năm nay có khả năng đạt 7 triệu tấn, vượt mức kỷ lục năm 2010. Xuất khẩu gạo trong thời gian vừa qua tăng cả lượng và giá, cao nhất từ trước tới nay.

. Giá gạo đến cuối năm có sốt nữa không?

+ Ông Trương Thanh Phong: Tôi khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ không thể có hiện tượng sốt giá như năm 2008. Từ nay đến đầu năm 2012, VN không thiếu gạo vì chúng ta vẫn còn gạo dự trữ. Ngoài ra, vụ hè thu đến nay đã đạt 1,6 triệu tấn và chưa thu hoạch hết. Vụ thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 700.000 tấn, vụ mùa khoảng 350.000 tấn nữa. Người dân không nên nghe tin đồn mà mua phải gạo giá cao.

65 DN được cấp phép xuất khẩu gạo

Đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành cấp 65 giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo (chiếm 85% thị phần xuất khẩu gạo của VN), trong đó có bốn DN nước ngoài. Đây là con số khá lạc quan khi mà trước đây nhiều DN xuất khẩu gạo từng kêu trời vì những quy định ngặt nghèo của Nghị định 109. Việc siết chặt kinh doanh xuất khẩu gạo góp phần giúp cho thị trường ổn định. Tránh việc DN cứ đăng ký để được cấp phép xuất khẩu gạo nhưng thực tế trong kho không hề có gạo.

Ông NGUYỄN THÀNH BIÊN, Thứ trưởng Bộ Công Thương

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm