Đánh thức du lịch biên giới

Từ bài học khai thác du lịch cửa khẩu rất thành công của một số nước, hiện nay các địa phương Việt Nam có biên giới đã bắt đầu mở rộng kêu gọi đầu tư vào du lịch. Mặc dù việc thu hút đầu tư còn hạn chế nhưng với tiềm năng du lịch lớn như hiện nay, du lịch cửa khẩu được các doanh nghiệp (DN) lữ hành đánh giá cao.

Nhiều tỉnh vào cuộc

Theo Công ty Du lịch Tây Ninh, mỗi ngày cửa khẩu Mộc Bài đón khoảng 2.000 lượt người, trong đó khách du lịch chiếm 1/3 tổng số lượng người đến mua sắm và khách buôn bán. Lượng khách du lịch bắt đầu có dấu hiệu phát triển tốt theo từng năm.

Theo ông Dương Thành Vấn, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Khu kinh tế Tây Ninh, hiện nay việc đầu tư các khu giải trí cạnh khu vực biên giới được đánh giá cao, vì ngoài tham quan, mua sắm ở cửa khẩu, du khách có thể đến các điểm này để thưởng ngoạn. Các DN đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi như tiền thuê đất, thuế thu nhập DN.

Đánh thức du lịch biên giới ảnh 1

Khách du lịch tham quan khu cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh: BÁ HUY

Ngoài Mộc Bài, rừng Xa Mát ở khu vực biên giới cũng là điểm hướng sang khai thác du lịch. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Vườn quốc gia Xa Mát, khu vực này khá hoang sơ so với những khu vực khác. Đó là khó khăn nhưng cũng là ưu điểm với những du khách quan tâm đến thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa Khơmer. “Chúng tôi dự định sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ khách du lịch tốt hơn. Khó khăn hiện nay là khách quốc tế đến tham quan nhiều, khách phải làm giấy phép, đóng phí vào khu vực biên giới là 10 USD, chúng tôi đang đề xuất du khách đến đây được miễn giấy phép này” - ông Xuân cho biết.

Không chỉ Tây Ninh, An Giang cũng đang tập trung đầu tư nâng cấp Khu du lịch Núi Cấm thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. Tỉnh cũng nâng cấp chợ Tịnh Biên, cửa khẩu Khánh Bình, đưa khu kinh tế thương mại cửa khẩu Tịnh Biên vào hoạt động. Đây cũng là lợi thế để thu hút lượng khách du lịch qua lại giữa hai nước. Mới đây tỉnh Kiên Giang cũng đã ký kết hợp tác với các tỉnh ven biển của Campuchia và Thái Lan tổ chức chuyến khảo sát tuyến du lịch đường biển từ Kiên Giang đến Chanthaburi và tỉnh Trat giáp Koh Kong.

Đầu tư hợp lý sẽ hút khách

Việc phát triển các tuyến du lịch vùng biên giới được nhiều DN lữ hành đánh giá cao. Theo ông Cao Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty Bến Thành Tourist, hiện nay các chương trình đi về cửa khẩu biên giới luôn hấp dẫn du khách, vì một người bình thường nếu không đi du lịch nước ngoài thì họ cũng sẽ rất muốn biết về các địa điểm này. Việc phát triển các du lịch, hạ tầng biên giới sẽ không chỉ thu hút du khách mà có thể cải thiện được kinh tế, đời sống của người dân dọc biên giới.

Ông Bùi Thanh Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Vietnam Destination, cho biết ngoài việc đầu tư hạ tầng, các vấn đề về văn hóa, phong tục vùng biên giới cũng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc thu hút du khách. Đơn cử như Xa Mát ở Tây Ninh, hai bên đường đi rất đẹp. Ở đây cũng còn nhiều địa danh chưa khai thác. Lên biên giới, du khách luôn háo hức xem Campuchia có gì khác không. Thế nhưng hiện nay việc lên biên giới còn bị hạn chế bởi thủ tục. Muốn phát triển tốt các tuyến biên giới thì vấn đề về thủ tục cần giải quyết tốt hơn.

Theo ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Luxury, thực tế là du lịch vùng biên ở Việt Nam chỉ nằm ở dạng tiềm năng. Trong khi đó, ở biên giới Trung Quốc - những điểm giáp với Việt Nam họ khai thác rất tốt. Không chỉ là giao thương chung như các cửa khẩu mà họ phát triển các sản phẩm du lịch vùng miền rất đa dạng. Hiện rất nhiều DN lữ hành quan tâm đến việc đưa khách đến các vùng biên giới để tạo nét khác lạ.

Còn theo ông Cao Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty Bến Thành Tourist, hiện nay các tỉnh đang tập trung về kinh tế nhiều hơn về du lịch. Các địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch. Ngoài ra, du khách luôn mong muốn được đi qua biên giới, tham gia các hoạt động giữa biên giới, cho nên rất cần việc đầu tư các điểm dừng gắn kết văn hóa giữa hai nước chứ không chỉ đến cột mốc rồi về.

Việc đầu tư du lịch biên giới còn nhiều khó khăn về văn hóa, kinh phí từ phía các nước bạn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, một khó khăn là các địa phương biên giới giữa các nước phát triển không đồng đều. Cụ thể như tỉnh Long An đã có dự án xây dựng 13.000 ha khu kinh tế cửa khẩu. Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng phía Campuchia thì phát triển không tốt. Ngay cả đường đi cũng không được cải thiện nên không thể thu hút du khách. Hiện khu kinh tế này chỉ triển khai được mảng kinh doanh hàng hóa. Hay cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 3 km, điểm du lịch sinh thái Bời Lời với tổng diện tích gần 600 ha, do vấn đề kinh phí nên việc giải tỏa vẫn chưa thể tiến hành.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm