Đại gia Việt tự làm container, cạnh tranh với Trung Quốc

Từ cuối năm 2020 đến nay, container khan hiếm trầm trọng trong khi nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lại tăng đột biến. Đây là nguyên nhân khiến giá thuê container tăng phi mã gấp 5-10 lần so với trước đây. Trước tình trạng trên, một số tập đoàn đã quyết định đầu tư đóng container để giải quyết bài toán trên.

Kỳ vọng container bớt khan hiếm

Tập đoàn Hòa Phát, một đại gia ngành thép, mới đây đã quyết định đầu tư sản xuất vỏ container dựa trên những nghiên cứu đánh giá suốt thời gian dài vừa qua về nhu cầu container. Tập đoàn này cho biết trước mắt sẽ sản xuất khoảng 500.000 TEU/năm tại hai khu vực động lực phát triển, gần cảng biển là Hải Phòng và Đông Nam bộ. Dự kiến đầu quý II-2022, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Mạnh Tuấn tự tin tập đoàn có khả năng sản xuất container thành công và cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài như Trung Quốc. Ông phân tích: Sắt thép chiếm 55% giá thành sản xuất container. Loại thép sử dụng cho sản xuất container là SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên và kháng thời tiết. Đây là loại thép mà tập đoàn đã làm chủ được công nghệ sản xuất với giá thành hợp lý.

Tương tự, là đơn vị đang sản xuất container phục vụ cho nhu cầu nội địa, đại diện Công ty Lisotecs cũng cho rằng khi có đủ năng lực tài chính, chuyên môn thì hoàn toàn đủ khả năng sản xuất được container. Bởi lâu nay nguồn nguyên liệu thép làm container phụ thuộc Trung Quốc, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm tới 75%-80%.

Nhưng giờ các tập đoàn tại Việt Nam đã chủ động sản xuất được nguồn nguyên liệu thép thì việc đóng container với số lượng lớn, giá thành sản xuất sẽ thấp. “Thực tế hiện có vài chục công ty tại nước ta hoạt động liên quan đến container nhưng phần lớn chưa phải là đơn vị sản xuất đúng nghĩa, còn lại chủ yếu là những đơn vị quy mô nhỏ sửa chữa và cải tạo container. Vì vậy khi có các tập đoàn lớn tham gia khâu đóng container để tạo nguồn cung lớn, giá cả cạnh tranh sẽ phần nào giải quyết được bài toán khan hiếm mặt hàng này” - vị lãnh đạo công ty trên phân tích.

Nhu cầu của thị trường xuất nhập khẩu nông, thủy sản tăng khiến nguồn cung container rỗng đang thiếu trầm trọng. Ảnh: Q.H

Tin công ty Việt Nam làm được

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho rằng trong đại dịch COVID-19, việc khan hiếm container rỗng đã hé ra một cơ hội kinh doanh. Đó là tại sao Việt Nam không sản xuất container rỗng.

Trên thế giới, Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất, họ cũng là nước sản xuất container lớn nhất. Để sản xuất được container ở Việt Nam, nếu như chúng ta lại nhập thép từ Trung Quốc về làm thì đương nhiên giá thành khó cạnh tranh.

“Nhưng chúng ta may mắn có hai tập đoàn sản xuất thép lớn là Hòa Phát và Formosa có đủ năng lực sản xuất loại thép có chủng loại đặc biệt để làm vỏ container với khả năng chịu được lực lớn. Mới đây nhất, Hòa Phát đã thông báo sẽ sản xuất container, như một sản phẩm gia tăng giá trị cho mặt hàng thép. Tôi tin là họ làm được!” - ông Hải nói. 

Tiềm năng lớn nhưng không dễ ăn

Tuy việc đóng container nằm trong khả năng của Việt Nam nhưng một số ý kiến cho rằng container là mặt hàng tương đối đặc thù, do vậy muốn thành công phải kết hợp nhiều yếu tố mà quan trọng nhất cần số vốn lớn và công nghệ hiện đại. Công ty Lisotecs cho biết muốn bán được container thì trước tiên phải có khách hàng. Trở ngại về vấn đề này hiện nay vẫn là hãng tàu ngoại chiếm ưu thế, trong khi hãng tàu trong nước quá yếu.

Tuy vậy, lãnh đạo công ty này tự tin: “Khách hàng thuê container còn dựa vào tên tuổi, thương hiệu của hãng dù container đã đóng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ chế, vốn, thuế cho các doanh nghiệp đầu tàu sản xuất container để họ có thể giảm chi phí sản xuất, giúp sản phẩm có giá cả cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Đồng thời cần thiết lập chuỗi cung ứng của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam”.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng tỏ ra rất lạc quan về thị trường container trong tương lai. Theo ông, đầu ra của container rất lớn. Hơn nữa vận chuyển hàng hóa bằng container là xu hướng của thế giới nên nhu cầu ngày càng cao.

“Nếu các tập đoàn đầu tư đóng container thì chắc chắn phải tính cả chuyện phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu container do Việt Nam sản xuất có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, lại tiếp thị tốt thì sẽ tạo ra được thị trường. Đặc biệt khi chủ động được nguyên liệu, có chuyên môn, năng lực tài chính vững, doanh nghiệp có thương hiệu thì không lo đầu ra. Các hãng tàu nước ngoài họ sẽ mua container ở đâu bán giá tốt, chất lượng cao” - ông Thịnh nói.

Mặt khác, hiện tại 90% lượng container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất, tuy nhiên, vài năm trở lại đây Trung Quốc giảm sản lượng container và công suất sản xuất thép của Trung Quốc cũng giảm. Vì vậy, theo ông Thịnh, đây là cơ hội cho các công ty có đủ khả năng sản xuất mặt hàng này.

Đó là chưa kể Việt Nam nằm trong số 14 nước sản xuất thép lớn nhất thế giới nên có thể tự sản xuất được container. Qua đó để không quá phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, dẫn đến nhiều rủi ro như tình trạng thiếu container rỗng đang diễn ra trầm trọng.

Giá cước container vẫn đắt

Các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì giá cước vận chuyển container lạnh bằng đường biển đi Mỹ tiếp tục tăng cao. Nếu cuối năm 2020, cước xuất đi Mỹ khoảng 3.600 USD/container thì đến tháng 3-2021 tăng lên 7.000 USD/container và hiện tăng lên tới 11.500 USD/container.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định xuất khẩu hàng thủy sản đi Mỹ sẽ còn căng thẳng hơn một số hãng tàu thông báo dừng vận chuyển hàng đến các cảng bờ Đông nước Mỹ. Do vậy doanh nghiệp muốn giao hàng ở các cảng này phải tìm kiếm các đơn vị vận chuyển hàng từ bờ Tây sang bờ Đông. Một số chủ hàng chọn giải pháp an toàn là đặt chỗ trước một thời gian dài nhưng đến ngày tàu chạy, có thể do hàng sản xuất chưa kịp nên phải hủy chuyến.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan công khai tất cả thông tin về số lượng container rỗng, số lượng chỗ trống để xếp container dành cho chủ hàng Việt Nam khi tàu vào cảng, số lượng chuyến định kỳ… khi đến cảng biển Việt Nam cung cấp dịch vụ để tránh tình trạng thiếu minh bạch thông tin. Đồng thời, cục sẽ phối hợp xác minh việc có hay không tình trạng nâng giá cước vận chuyển khi qua các đại lý hàng hải gây bất lợi cho thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam ra thị trường nước ngoài. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm