Đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc Trung Quốc

“Việc Trung Quốc (TQ) đặt giàn khoan trái phép phần nào đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam (VN), nhất là thủy sản, tác động trực tiếp đến hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển. Đây là nơi chiếm sản lượng xuất khẩu thủy sản lớn của VN. VN tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với TQ là điều cần thiết nhưng mặt khác, VN cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, để có thêm thị trường mới tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ”. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản do Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức vào ngày 3-6.

Tìm thị trường mới

Ông Vũ Huy Hoàng cho biết ngành sản xuất, xuất khẩu nông sản của VN đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh cao; xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí sản xuất như điện, nước, nhiên liệu đầu vào cũng như chi phí vận tải đều tăng… Bên cạnh đó, những hạn chế của ngành sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết như công tác quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng chưa nhất quán và đồng bộ; tỉ lệ sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu còn thấp, năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu còn yếu…

Chế biến hải sản xuất khẩu tại TP.HCM. Ảnh: Hữu Luận

Theo đánh giá của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tổng thể giao thương giữa VN và TQ vẫn diễn ra bình thường, cả tiểu ngạch và chính ngạch. Mặc dù vậy, vị tư lệnh ngành Công Thương cho rằng diễn biến tình hình biển Đông cần phải có những đánh giá, phân tích dự báo để VN có biện pháp ứng phó nếu có tình hình phức tạp. “Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tiếp tục tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Theo đó, sẽ khai thác sâu hơn các thị trường truyền thống, đồng thời tìm thêm các thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường duy nhất” - bộ trưởng nói.

Tăng cường cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu

Ông Hoàng cho rằng TQ là đối tác kinh tế quan trọng của VN, năm 2013 thị trường này chiếm 10% thị trường xuất khẩu của VN và nhập khẩu từ TQ chiếm 23%. Do đó VN tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với TQ là điều cần thiết nhưng mặt khác, VN cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường để có thêm thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ. Đây cũng là dịp VN có những việc làm tích cực hơn, quyết liệt hơn đối với thị trường xuất nhập khẩu. Song song đó, cần giảm tỉ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài, đa dạng hóa nhập khẩu; tăng cường phát triển cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm các ngành công nghiệp trọng điểm như dệt may, da giày… Đồng thời xây dựng quy chuẩn đối với nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu để nâng cao chất lượng, tập trung giải quyết vốn và lãi suất cho DN sản xuất, xuất khẩu; mở rộng định mức vay và giãn thời gian trả nợ ngân hàng. Các cơ quan chức năng cần áp dụng cho vay bằng ngoại tệ đối với DN xuất khẩu nông sản, thủy sản, giúp các DN tiếp cận được vốn ngoại tệ với lãi suất thấp.

Đừng gây khó cho DN khi soạn nghị định!

Đóng góp ý kiến với hội nghị, đại diện một số hội ngành hàng nông sản, thủy sản đã có những đề xuất. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình DN thủy sản hiện nay rất khó khăn cả trong và ngoài nước, thậm chí những khó khăn bên trong còn lớn hơn. Vì vậy ông Dũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành văn bản đừng gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn như nghị định cá tra được ban hành ngày 29-4-2014 ̣̣(có hiệu lực từ 20-6-2014) được xây dựng hơn hai năm nhưng lại có nhiều điểm hạn chế và thiếu nhiều điểm như quy định thức ăn nuôi cá tra. Thức ăn nuôi cá tra chiếm tới 80% chi phí nhưng nghị định không nói gì đến công tác quản lý. Điều đáng nói là thức ăn cá tra đang bị lũng đoạn bởi các công ty nước ngoài. “20-6 là ngày thực hiện nhưng hiện nay các DN vẫn chưa chuẩn bị được gì. Do đó VASEP đề xuất giãn thời gian đến tháng 7-2015” - ông Dũng kiến nghị.

TRÀ PHƯƠNG

 

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho rằng cao su là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao đứng sau gạo và cà phê trong những năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, ngành cao su đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, ảnh hưởng sản xuất và kinh doanh của DN. Thị trường tiêu thụ hẹp, sự cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Malaysia… làm giảm giá xuất khẩu và kéo theo sản lượng cũng giảm. Ngoài ra, trong nước Bộ Tài chính lại có quy định điều chỉnh thuế suất một số sản phẩm cao su xuất khẩu từ 0% lên 1%. Đây là khó khăn lớn đối với ngành trong bối cảnh giá cao su liên tục giảm. Vì vậy Hiệp hội Cao su đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bởi nguồn thu từ thuế không nhiều, đồng thời giúp DN tăng tính cạnh tranh thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm