Cuộc đua tăng lãi suất đầu năm

Nếu trong năm 2007, thị trường tài chính chứng kiến cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi dữ dội của các ngân hàng cổ phần thì ngay những ngày đầu năm 2008, cuộc đua này lại được khởi động trở lại.

Nhập cuộc sớm

Đầu tiên, Ngân hàng TMCP ABBANK thông báo tăng lãi suất huy động Việt Nam đồng từ ngày 9-1. Theo đó, lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ một tháng đến 24 tháng được điều chỉnh tăng 0.06%- 0,48%/năm. Mức tăng cao nhất là 0,48%/năm cho hình thức nhận lãi từng quý ở các kỳ hạn sáu tháng, chín tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và các kỳ hạn khác khi lĩnh lãi hàng tháng và lĩnh lãi trước.

Cùng với mức tăng lãi suất trên, ABBANK còn điều chỉnh tăng lãi suất khi lĩnh lãi cuối kỳ cho các kỳ hạn. Mức tăng cao nhất là 0,3%/năm cho kỳ hạn một tháng, 0,12%/năm cho kỳ hạn 11 tháng... Đặc biệt, ABBANK còn tăng lãi suất cộng thêm đến 0,264%/năm. Cụ thể, nếu khách hàng gửi từ 100 triệu đến 500 triệu đồng sẽ được cộng thêm lãi suất là 0,216%/năm; từ 500 triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng sẽ được cộng thêm lãi suất là 0,24%/năm.... Như vậy, với mức lãi suất 10,08%/năm của kỳ hạn 24 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ khi gửi hai tỷ đồng trở lên khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cao nhất là 10,344%/năm. Đây là lần tăng lãi suất huy động tiền gửi thứ năm của ABBANK, kể từ năm 2007.

Cũng như ngân hàng ABBANK, Ngân hàng Đông Á cho biết kể từ ngày 10-1, cũng chính thức tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm Việt Nam đồng cho khách hàng cá nhân. Theo đó, sẽ tăng mạnh ở mức lãi suất kỳ hạn hai tháng, ba tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tăng lãi suất đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn dài hơn 12 tháng là 0,79% tăng 0,02%; 18 tháng là 0,74% tăng 0,1%...

Trước đó, hàng loạt các ngân hàng như Sacombank, VPBank, SeaBank... cũng tăng mức lãi suất huy động tiền gửi. Tính đến hết tháng 12-2007 mức lãi suất tăng này dao động khoảng 1%-2%/năm cho từng kỳ hạn khác nhau.

Giải thích vì sao ngay trong quý I–2008, các ngân hàng đã đua nhau tăng lãi suất, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho biết việc tăng này là đương nhiên. Trước mắt để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu kinh doanh mùa cuối năm của khách hàng. Mặt khác, do hiện nay nền kinh tế chưa hấp thụ hết dòng vốn ngoại, trong khi nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục chảy vào nên phải tăng lãi suất huy động để hút tiền đồng.

Lãi suất huy động sẽ còn tăng

Trong năm 2007, trước vòng xoáy tăng lãi suất, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản khuyến cáo các ngân hàng hội viên không nên điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Theo Hiệp hội Ngân hàng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Tuy vậy, trước sức ép huy động vốn, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vẫn bỏ ngoài tai khuyến cáo này và cuộc đua lãi suất cứ âm thầm gia tăng.

Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói thẳng, do một phần vốn của các nhà băng cổ phần hiện tại còn chôn vào ngoại tệ, vì Ngân hàng nhà nước đã hạn chế mua USD vào nên buộc ngân hàng này phải gia tăng lãi suất đầu vào để điều chỉnh cung - cầu.

Ông này cho biết việc tăng lãi suất trong bối cảnh tỷ lệ dự trữ tăng lên gấp đôi và nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ đã được ban hành, như Chỉ thị 03, khuyến cáo cho vay bất động sản... là bài toán hết sức khó khăn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng cổ phần không tăng lãi suất sẽ khó thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng, vì lạm phát tăng cao đã khiến người gửi tiết kiệm phải chịu lãi suất âm.

Mặt khác, trong quý III-2007 lãi suất tiết kiệm đã bị cắt giảm do các nhân hàng buộc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nên bây giờ tăng lãi huy động cũng là cách bù vào. Ngoài ra, căn cứ vào giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào năm sau thường cao hơn năm trước nên dự kiến cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ còn tiếp diễn.

Xu hướng này đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cho biết việc các nhà băng đua nhau tăng lãi suất huy động vốn sẽ càng gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát của chính phủ. Một khi lãi suất vay tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng, vì doanh nghiệp đi vay vốn sản xuất sẽ điều chỉnh mức tăng này vào giá bán sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, nguy cơ lạm phát năm 2008 tiếp tục gia tăng cao là điều có thể lường trước, ông này bình luận.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm