Cuộc đua mới về dịch vụ thẻ ATM

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc trả lương qua thẻ ATM, nhiều “đại gia” ngân hàng đã gấp rút chạy đua mở rộng các điểm rút tiền và cho ra đời hàng loạt dịch vụ thanh toán, đặc biệt là việc công nghệ hóa thanh toán được chú ý.

Nở rộ thẻ đa năng

Vào cuối tháng 10, chủ thẻ đa năng của Ngân hàng Đông Á có thể thanh toán trực tiếp cước taxi Mai Linh. Đây là một bước phát triển mới của dịch vụ thanh toán qua máy cà thẻ không dây (wireless) lần đầu tiên được triển khai tại nước ta.

Với dịch vụ này, chủ thẻ khi đi taxi Mai Linh có thể yêu cầu tài xế cà thẻ để thanh toán tại chỗ. Thiết bị cà thẻ này do Ngân hàng Đông Á lắp đặt. Khoản tiền thanh toán sẽ được trừ ngay vào tài khoản của chủ thẻ và chuyển cho công ty taxi, khách hàng không phải trả phí dịch vụ.

Cùng nhảy vào cuộc đua giành thị phần, Ngân hàng Quốc tế đang có kế hoạch phối hợp với bảy trường đại học, cao đẳng trong cả nước để xây dựng hệ thống quản lý sinh viên.

Kể từ năm học 2007-2008, mỗi sinh viên của các trường này đều sẽ được mở tấm thẻ “hai trong một” - vừa là chiếc thẻ ghi nợ thông thường, vừa là chiếc thẻ sinh viên dùng để ra vào lớp học, thư viện, phòng máy tính.

Ngân hàng này có mạng lưới ATM liên minh với khoảng 20 ngân hàng khác nên sinh viên có thể sử dụng thẻ của mình tại mạng lưới 1.500 máy ATM trong cả nước.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng tuyên bố sẽ đưa ra nhiều dịch vụ “độc” trong nay mai. Cụ thể như cho khách hàng sử dụng nợ tiền dư trong tài khoản trong vài tháng, thanh toán cước điện thoại, Internet, thanh toán tiền mua sắm ở siêu thị ngay tại chỗ...

Nếu là dịch vụ tại chỗ thì khách hàng chỉ cần click chuột thanh toán qua mạng, còn với dịch vụ di động thì khách sẽ sử dụng công nghệ không dây.

Sẽ có liên minh điện tử

Cùng với những cuộc đua sôi động nêu trên, các ngân hàng còn liên kết với nhau tạo nên liên minh thanh toán thẻ, tạo sự tiện lợi và dễ dàng tối đa cho khách.

Dự án Banknet đã bước sang giai đoạn cuối bằng việc tuyên bố thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ SmartLink. Công ty này có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, cổ đông gồm 16 ngân hàng trong liên minh, do Ngân hàng Ngoại thương đứng đầu.

Công ty này sẽ thực hiện vai trò kết nối hệ thống thẻ ATM giữa các ngân hàng thành viên, đồng thời gia tăng tiện ích cho các chủ thẻ sử dụng. Các đối tác cung cấp sản phẩm và dịch vụ kết nối với nhau hình thành mạng thanh toán điện tử có quy mô lớn nhất ở Việt Nam.

Ngoài việc kết nối thanh toán các ngân hàng trong liên minh, SmartLink sẽ cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp như các mạng điện thoại MobiFone,Viettel, VinaPhone, S-Fone, HT Mobile, các đơn vị cung ứng dịch vụ Internet, các công ty du lịch và lữ hành và các hãng hàng không, các công ty bảo hiểm, Điện lực Việt Nam, Tổng cục Thuế và một số tập đoàn phân phối bán lẻ như SATRA, Saigon Coop, Hapro...

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc SmartLink, cho biết trước đây mặc dù các máy ATM trong liên minh đã được kết nối nhưng việc đưa thêm dịch vụ thanh toán hóa đơn điện thoại, điện, nước, đóng phí bảo hiểm... chỉ mới thực hiện đơn lẻ.

Tuy nhiên, trong tháng 11-2007 hình thức thanh toán hóa đơn qua máy ATM sẽ được thực hiện trong toàn hệ thống của liên minh.

Trước mắt, SmartLink sẽ cùng các ngân hàng thiết lập hệ thống POS, thiết lập các máy chấp nhận thanh toán nhỏ gọn trên các phương tiện giao thông công cộng, các điểm thu phí cầu đường, hoặc trang bị máy cho nhân viên thu cước điện thoại, phí điện nước để người sử dụng có thể dùng thẻ trả tiền cho các khoản này.

SmartLink đang làm thủ tục để trở thành trung tâm xử lý giao dịch cho tất cả các tổ chức thẻ quốc tế tại Việt Nam. Cùng lúc, SmartLink cũng có kế hoạch liên kết với các mạng thanh toán thẻ nội địa của các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... để mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ của các ngân hàng thành viên.

Hiện Smartlink đã có 17 trong tổng số 25 ngân hàng kết nối thành công và hoạt động ổn định với số lượng thẻ phát hành đạt ba triệu thẻ và được chấp nhận thanh toán tại hơn 2.000 máy ATM và 6.000 đơn vị chấp nhận thẻ.

Ông Tạ Quang Tuyến, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin ngân hàng, cho biết ngân hàng nào có đủ tiềm lực, nhân sự thì đứng ra thực hiện, vì tham gia sẽ có lợi rất nhiều. Với đà này, sang năm hệ thống giao dịch điện tử sẽ phát triển mạnh và bùng phát và ngân hàng sẽ là kênh giao dịch điện tử tốt nhất.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm