Cuộc đua mới tăng lãi suất huy động VND

Nhiều ngân hàng vào cuộc

Mở đầu trong cuộc đua tăng lãi suất huy động VND là ABBank, khi điều chỉnh lãi suất huy động tăng lên ở mức hơn 10%/năm kỳ hạn 24 tháng, cao nhất trên thị trường. Tiếp theo đó, VPBank cũng tăng lãi suất huy động VND thêm từ 0,12% đến 0,84%/năm.

Các ngân hàng thương mại cho biết lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh nên đã tạo ra mặt bằng lãi suất mới. Điều đó buộc các ngân hàng thương mại đã phải điều chỉnh lãi suất huy động VND tăng theo để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng Giám đốc ABBank, cho biết thông thường nhu cầu mua sắm tiêu dùng cuối năm tăng cao. Dịp này, khách hàng cá nhân cần tiền để sửa sang nhà cửa, mua sắm... Còn những khách hàng doanh nghiệp thì họ cần một lượng tiền lớn để nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì vậy, nhu cầu về tín dụng mùa cuối năm thường tăng từ 20% đến 30% so với đầu năm.

Đây cũng chính là lý do để ABBank tăng lãi suất huy động tiền nhàn rỗi trong dân cư và để đáp ứng cho những khách hàng đang cần vốn.

Bà Trần Thị Việt Thu, Tổng Giám đốc Ngân hàng Gia định, cho biết việc tăng lãi suất huy động VND xuất phát từ mặt bằng chung của thị trường cuối năm. Vì vậy, đây là kế hoạch mở rộng quy mô thị trường của mỗi ngân hàng chứ không phải do nhu cầu cần VND đột suất.

Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có hàng loạt ngân hàng khác phải chạy đua tăng lãi suất huy động VND, nếu không khách hàng sẽ rơi vào tay đối thủ. Ông Đỗ Hoàng Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Ngân hàng Việt Á, cho biết cũng đang xem việc tăng lãi suất VND trong thời gian tới để tăng sức cạnh tranh.

Không thiếu vốn khả dụng

Cuộc đua tăng lãi suất VND của một số ngân hàng trong thời gian vừa qua không phải do thiếu vốn khả dụng, bởi vì dư nợ tín dụng cho vay tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng của huy động vốn. Số liệu thống kê cho thấy tổng vốn huy động VND của các ngân hàng tính đến tháng 10 đã tăng rất cao.

Chỉ tính riêng khu vực TP.HCM, đã đạt 425.987 tỷ đồng, tăng 68,7% so cùng thời điểm năm trước. Đồng thời, tổng dư nợ tín dụng cho vay của các ngân hàng cũng tăng trưởng chậm hơn so với nguồn vốn huy động được, chỉ đạt 333.316 tỷ đồng, tăng 57,6% so với năm trước.

Cuộc đua tăng lãi suất VND của một số ngân hàng trong thời gian vừa qua không phải do thiếu vốn khả dụng, bởi vì dư nợ tín dụng cho vay tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

Theo một vị quan chức Ngân hàng nhà nước, nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại vẫn bình thường và đảm bảo được yêu cầu thanh toán của nền kinh tế. Trước đó, lãi suất liên ngân hàng có tăng cao đột biến nhưng Ngân hàng nhà nước đã hỗ trợ kịp thời, bằng cách bơm cho thị trường hơn 10.000 tỷ đồng nên tình hình đã trở lại bình thường.

Tuy nhiên, đó cũng là những biện pháp hỗ trợ ngắn hạn thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Các chuyên gia cho rằng năm nay, nhu cầu về vốn khả dụng của ngân hàng đã tăng cao hơn năm trước một tháng. Như vậy, dòng vốn dịch chuyển của thị trường trở nên năng động, linh hoạt hơn và đây là sự tác động của việc hội nhập WTO của nền kinh tế nước ta với thế giới.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm