Cuộc đua bành trướng quy mô ngân hàng dừng lại!

Cuộc đua bành trướng mạng lưới hoạt động của ngân hàng trong giai đoạn 2006 - 2007 đã khiến thị trường lao động ngành tài chính rơi vào tình trạng khủng hoảng. Thực tế, chỉ trong vòng 1 năm, có ngân hàng mở mới đến 60 điểm giao dịch, nhìn vào kế hoạch của các ngân hàng thì xu hướng đó dường như vẫn tiếp tục, nhưng đã bắt đầu xuất hiện sự thận trọng nhất định trong năm 2008 này.

Ngân hàng cổ phần có mạng lưới lớn nhất là Sacombank, trong năm qua thành lập mới 13 chi nhánh và 46 phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch đi vào hoạt động tính đến cuối năm 2007 là 207 điểm, hiện diện 44/46 tỉnh, thành trên cả nước. Kế hoạch trong năm nay, Sacombank mở thêm 2 chi nhánh trong nước và 2 chi nhánh tại Lào, Campuchia, đồng thời mở thêm nhiều điểm giao dịch, nâng tổng số lên 260 điểm.

Khu vực thành thị được các ngân hàng ưu tiên hàng đầu, nhìn vào đoạn đường chỉ dài chưa đầy 1 km như Lê Đại Hành, Quận 11, TP.HCM, có thể thấy điều đó bởi có đến hàng chục tên tuổi khác nhau xuất hiện (ACB, Navibank, DongA Bank, Sacombank, Agribank, Saigonbank, Techcombank, BIDV...). Khu vực nông thôn trước đây là “lãnh địa” cho các ngân hàng thương mại nhà nước lớn, đặc biệt là Agribank thì hiện nay các ngân hàng cổ phần nhỏ đã bắt đầu tiếp cận.

Việc bành trướng quy mô hoạt động của ngân hàng đã đem lại nhiều lựa chọn cho người dân. Thế nhưng, sự cạnh tranh giữa các nhà băng từ đó cũng gay gắt hơn, chi phí để mở rộng mạng lưới tăng thêm đang gây áp lực lớn và buộc các ngân hàng phải thận trọng với cuộc đua mở rộng mạng lưới.

Theo một cán bộ cấp cao của HDBank, trong năm nay Ngân hàng sẽ nâng tổng số điểm giao dịch toàn hệ thống lên 50 điểm, tăng gấp đôi so với hiện tại. Tuy nhiên, vị cán bộ này cho biết, với diễn biến của thị trường tiền tệ hiện nay sẽ có nhiều khó khăn lớn cho Ngân hàng.

Nguyên nhân, chi phí để đầu tư cho một điểm giao dịch mới gia tăng theo giá thành nguyên vật liệu đầu vào. Tiền thuê mặt bằng cũng như lương cho cán bộ công nhân viên đã thay đổi nhiều so với năm trước. Trong khi, hoạt động của ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng.

“Khác với 2 năm trước, mở một điểm giao dịch mới sau 3 - 4 tháng là bắt đầu có lãi để đóng góp vào lợi nhuận của toàn hệ thống, nhưng hiện nay có lẽ phải mất đến cả năm”, một cán bộ trong ngành ngân hàng nói. Thực tế, với chính sách thắt chặt tín dụng của NHNN hiện nay, việc mở rộng hoạt động của các ngân hàng cổ phần cũng dễ bị vô hiệu hóa. Nếu mở chi nhánh, phòng giao dịch chỉ để huy động vốn, nhưng không thể cho vay ra, vì tăng trưởng tín dụng phải kiềm chế dưới mức 30% thì theo các nhà băng, mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch sẽ thua lỗ nặng.

Chẳng hạn với Ngân hàng An Bình, ông Lưu Đức Khánh - Tổng giám đốc cho biết, kế hoạch trong năm nay của Ngân hàng là mở thêm 40 điểm giao dịch, nhưng với tình hình thị trường tiền tệ hiện nay, theo ông Khánh, cần phải xem xét lại. So với các ngân hàng khác, An Bình có lợi thế về lượng lớn khách hàng từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời tập trung vào đối tượng khách hàng tiềm năng là cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả đầu vào tăng cao, nhưng đầu ra dần phải thu hẹp thì không chỉ với An Bình, mà hầu hết các nhà băng khác bắt đầu tỏ ra lo ngại đối với việc mở thêm điểm giao dịch mới.

Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng đã được điều chỉnh lên mức trên dưới 18%/năm. Đây là một trong những rào cản người tiêu dùng đến với nhà băng khi có nhu cầu vốn. Thực tế gần đây, khi các chính sách thắt chặt tiền tệ được đưa ra, ngân hàng đành phải hạn chế vốn, đó là chưa kể nhu cầu vay của khách hàng giảm. Trong khi, chi phí đầu vào gia tăng theo lãi suất tiền gửi đã tạo nên khó khăn lớn cho hệ thống ngân hàng. Theo giám đốc điều hành một ngân hàng cổ phần, nếu tình hình khó khăn trên thị trường tài chính kéo dài, có nhiều nhà băng phải tính đến việc thu hẹp mạng lưới hoạt động, thay vì mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch mới.

Theo Thùy Vinh ( ĐTCK)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm