Cước điện thoại cố định có thể giảm hơn 70%

Trong phương án trình Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giảm cước thuê bao từ 27.000 đồng một tháng xuống còn 20.000 đồng. Phương thức tính cước sẽ dần tiến tới mục tiêu bỏ cước nội tỉnh để chuyển thành cước nội hạt với mức cước 200 đồng một phút. Cước nội tỉnh đang có giá 400 - 700 đồng một phút, còn mức cước hiện hành áp dụng cho các cuộc gọi nội hạt là 120 đồng một phút.

Như vậy, cước các cuộc gọi trong phạm vi nội hạt (các thuê bao trong cùng một quận huyện) sẽ tăng khoảng 66%, tuy nhiên, cước liên lạc nội tỉnh lại giảm từ 50% đến 71,4%.

Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, với lưu lượng cuộc gọi nội tỉnh bình quân 120 phút cho mỗi thuê bao một tháng như hiện tại thì doanh nghiệp viễn thông sẽ gần như không tăng doanh thu khi áp dụng phương án điều chỉnh mới.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay hiện nay cước điện thoại nội hạt đang thấp hơn giá thành khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, càng kinh doanh càng lỗ nặng. Trong khi đó, cước điện thoại cố định hầu như không thay đổi từ năm 2000 đến nay, thành thử các doanh nghiệp phải thực hiện bù chéo giữa các dịch vụ khác.

Tuy nhiên khi mở cửa thị trường, việc bù chéo không được chấp nhận tại WTO mà các dịch vụ phải được hạch toán độc lập. Chưa kể, cước điện thoại cố định hiện hành còn có sự phân biệt đối xử giữa các vùng miền. "Do vậy, chúng tôi quyết định thống nhất cách tính cước giữa nội tỉnh và nội hạt để giảm bớt khó cho doanh nghiệp và công tác quản lý cũng dễ dàng hơn", ông Sơn nói.

Ông Sơn cho hay, theo lộ trình từ 1/2009 đến tháng 12/2010, Bộ vẫn quản lý cước cơ bản tại nhà thuê bao. Các gói cước khác sẽ do doanh nghiệp tự quyết theo khung giá quy định, tuy nhiên, mức chênh lệch không được cao hơn hoặc thấp hơn cước của dịch vụ cơ bản.

Từ tháng 1/2011 trở đi, Bộ sẽ không quản lý gói cước cơ bản mà chỉ ban hành khung giá, doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá cước theo khung quy định theo cơ chế thị trường và mức độ người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Theo Hồng Anh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm