Cửa hàng điện thoại hết được treo logo táo cắn dở

Giới thiệu rằng mình là đại diện pháp lý tại Việt Nam của Apple, công ty này viện dẫn quy định về sở hữu trí tuệ “Dựa theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng các nhãn hiệu táo khuyết, Apple, iPhone hay bất kỳ nhãn hiệu nào khác của Công ty Apple trên biển hiệu của cửa hàng hoặc trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh mà không được sự đồng ý của Công ty Apple đều là hành vi sử dụng bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Công ty Apple”.

Không chỉ nói suông, Votra còn gửi cho các cửa hàng hình ảnh chụp biển hiệu của các cửa hàng đang dùng hình ảnh, nhãn hiệu của Apple, đồng nghĩa với việc đang vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Với “tang chứng” rành rành, cửa hàng còn duy trì biển hiệu sẽ bị xử lý.

Muốn treo logo táo khuyết, nhãn hiệu iPhone, Apple... phải được sự đồng ý của Apple, nếu không được đồng ý là vi phạm. Ảnh: QUỲNH NHƯ

“Hiện tại, cửa hàng của quý ông/bà không phải là đơn vị được ủy quyền của Công ty Apple để bán và/hoặc sửa chữa các sản phẩm của Apple nhưng tại đây đang sử dụng các nhãn hiệu hình táo khuyết, “Apple” hoặc “iPhone” trên biển hiệu cửa hàng”.

Votra cảnh báo trong văn bản: “Votra yêu cầu các cửa hàng nhận được văn bản trong thời hạn bảy ngày phải chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu của cửa hàng và trên các giấy tờ kinh doanh, phương tiện kinh doanh. Đồng thời chấm dứt việc bán hàng giả mạo nhãn hiệu Apple”.

Khuyến cáo của công ty sở hữu trí tuệ này liệt kê các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Apple như hình trái táo khuyết, Apple, iPhone, iPad, iPod, MacBook, App Store, Apple Store...

Các cửa hàng không chỉ “nhột” về việc đang vi phạm về nhãn hiệu của Apple. Thư khuyến cáo của Votra còn khuyến cáo thêm một nội dung có thể khiến các cửa hàng giật mình và không thể làm ngơ chuyện nhãn hiệu. Votra nêu “Có thời điểm cửa hàng của ông/bà còn kinh doanh hàng hóa mang nhãn hiệu của Công ty Apple nhưng không phải là hàng chính hãng Apple mà là hàng giả mạo nhãn hiệu”.

Một đại diện cửa hàng điện thoại tại quận Tân Bình cho biết rất nhiều cửa hàng bán điện thoại, linh kiện điện thoại, nói là hàng xách tay, hàng chính hãng nhưng thực sự cũng có hàng giả do Trung Quốc lên hàng. Nếu chỉ nói chuyện vi phạm nhãn hiệu, có thể họ không thấy sợ hay lưu ý gì nhưng nói chuyện buôn bán hàng giả mạo thì các cửa hàng đều không muốn bị “khui” chuyện xuất xứ hàng, hàng thật, hàng giả, sẽ phải nhanh chóng đổi biển hiệu, sợ to chuyện.

Luật sư Nguyễn Ngọc Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc cảnh báo, khuyến cáo rất thường được thực hiện trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho các công ty sở hữu trí tuệ để thực hiện.

Thông thường các đơn vị bảo vệ sở hữu trí tuệ thu thập thông tin, bằng chứng khá đầy đủ và chính xác thì mới gửi thư khuyến cáo. Bên vi phạm nên thiện chí khắc phục vi phạm, xóa các nhãn hiệu mình vi phạm ra khỏi biển hiệu. Thông thường sau một thời gian ngắn ra thư khuyến cáo mà bên vi phạm không tháo dỡ, khắc phục thì các chủ nhãn hiệu sẽ liên hệ cơ quan quản lý, cụ thể là các cơ quan khoa học và công nghệ tỉnh, thành để yêu cầu xử lý vi phạm. Khi đó, bên vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Thậm chí nếu bên vi phạm không thiện chí thì chủ nhãn hiệu có thể kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại vì hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Theo khẳng định trên website của Apple, hãng này sở hữu độc quyền trên 230 nhãn hiệu như iAd, iCal, iChat, iBook, iPhoto, iCloud, AppleCare, iTunes, ProCare...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm