Cửa hàng ăn uống tại trung tâm thương mại vẫn 'đóng băng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tổng Công ty thương mại Sài Gòn-TNHH Một thành viên (Satra) cho biết, đến nay, có khoảng 165 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods) trên địa bàn TP.HCM đang hoạt động. Cùng với việc được cấp nhiều hơn số lượng giấy đi đường, Satrafoods đã dần trở lại hoạt động như thời điểm trước khi siết chặt giãn cách.

Nhờ vậy lượng đơn hàng nhanh chóng được giao đến người dân trong toàn thành phố, nhất là khu vực đi chợ hộ. Đơn cử ngày 12-9, chuỗi cửa hàng Satrafoods đã thực hiện hơn 9.800 combo với tổng giá trị gần 3,4 tỷ đồng.

Ngoài 12 combo được kết hợp sẵn với giá chỉ từ 55.000 đồng/combo đến 560.000 đồng/combo tùy siêu thị, khách hàng còn có thể mua lẻ thực phẩm tươi sống đến các loại nhu yếu phẩm thiết yếu khác.

Người dân hiện chỉ được mua hàng qua online trong nội quận. ẢNH: M.SĨ

Với mỗi đơn hàng đặt qua Be, ngoài giá trị đơn hàng và cước phí giao hàng tùy vị trí, phí dịch vụ đi chợ hộ là 15.000- 25.000 đồng/đơn hàng. Đơn hàng được giao trong vòng hai tiếng đồng hồ.

Song song đó, Satramart Siêu thị Phạm Hùng cũng nhận đơn online thông qua Zalo sau khi có được giấy phép đi giao hàng tại huyện Bình Chánh.

Các đơn hàng hiện tại chỉ nhận giao nội quận, với giá trị đơn hàng tối thiểu là 500.000 đồng/đơn, chi phí giao hàng cố định là 25.000 đồng/đơn.

Cũng theo đại diện Satra, hiện nay theo quy định siết chặt giãn cách của UBND TP.HCM, các tài xế giao hàng chỉ được phép giao trong nội quận. Vì vậy, dù kết hợp với các ứng dụng giao hàng tận nơi nhưng chỉ những khách hàng ở trong quận có siêu thị mới có thể đặt hàng qua ứng dụng.

Ngoài ra, do số lượng tài xế có giới hạn, trung bình chỉ từ 8-10 tài xế/quận, huyện nên việc xác nhận đơn gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể chi phí giao hàng tăng cao khiến người dân đắn đo suy nghĩ.

Bên cạnh liên tục đàm phán với các nhà cung cấp đảm bảo nguồn hàng không bị đứt gãy và giá cả được ổn định, việc kết nối với các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp, các ứng dụng online vẫn được đẩy mạnh. 

Đại diện Satra cũng thông tin, đến thời điểm hiện tại, dù dịch vụ ăn uống (F&B) đã được phép hoạt động và chỉ được bán mang đi, hầu như các doanh chủ  F&B có thương hiệu ở Trung tâm Thương mại Satra Phạm Hùng và Trung tâm thương mại Satra Củ Chi đều “án binh bất động”.

Nguyên nhân do việc mở cửa bán phải chịu rất nhiều chi phí vận hành như chi phí cho nhân viên ở lại “3 tại chỗ”, chi phí xét nghiệm hai ngày/lần và chỉ được phép bán hàng thông qua các ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, các dịch vụ F&B đang bị động bởi gian hàng bán là những kios chỉ đủ diện tích để kinh doanh trong ngày, không giải quyết được chỗ ăn, nghỉ cho nhân viên việc thực hiện ba tại chỗ”.

Đơn hàng trên các kênh online của siêu thị tăng mạnh. ẢNH: K.LINH 

Đại diện Aeon Việt Nam cũng cho hay, siêu thị Aeon khu vực TP.HCM đã mở lại các kênh online Grabmart và ShopeeFresh, bán hàng qua điện thoại, ghi nhận số lượng đơn hàng trên các kênh online tiếp tục tăng mạnh.

Aeon Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ khách hàng mua qua các kênh online.

Tuy nhiên, đối với các đối tác giao hàng công nghệ, theo ghi nhận của đơn vị và phản ánh của khách hàng, lực lượng shipper vẫn còn hạn chế do nhiều shipper đã về quê từ giai đoạn trước. Đồng thời phải đáp ứng một số tiêu chí, trong khi nhu cầu của người dân tại tất cả các quận trên địa bàn TPHCM rất lớn.

“Việc shipper công nghệ hoạt động trở lại trong tuần vừa qua, trên thực tế chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân Thành phố do shipper chỉ hỗ trợ được khâu giao hàng, chỉ hoạt động có điều kiện trong nội quận và số lượng shipper vẫn còn rất giới hạn”, đại diện Aeon Việt Nam chia sẻ.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm