Cú bắt tay 1 tỉ USD giữa bầu Đức và Thaco

Lễ công bố hợp tác chiến lược của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa diễn ra. Theo đó, Thaco cam kết rót 1 tỉ USD, tương đương hơn 23.000 tỉ đồng, vào HAGL và xem như đã cứu công ty này khỏi vực thẳm nợ nần. Đến nay Thaco đã chính thức chi hơn 7.800 tỉ đồng vào HAGL.

Tuy nhiên, nhìn xa hơn, đây không đơn thuần là cuộc giải cứu mà cái bắt tay giữa Thaco và HAGL còn có thể vẽ ra một mô hình mới về nền nông nghiệp công nghệ cao cho Việt Nam.

Bầu Đức: “Tôi chọn Thaco vì tiền tươi và quản trị”

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, đã rất thẳng thắn nhìn nhận khó khăn của tập đoàn chủ yếu xuất phát từ đầu tư cao su ở quy mô quá lớn nhưng giá xuống quá thấp dẫn đến mất thanh khoản về mặt tài chính.

Cụ thể, HAGL có tổng tài sản lên đến 53.000 tỉ đồng với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ lực là nông nghiệp, trải rộng trên lãnh thổ của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia với tổng diện tích trên 80.000 ha. Cùng với đó là dự án khu phức hợp HAGL nằm tại trung tâm TP Yangon của Myanmar đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động trong và ngoài nước.

Quy mô hoành tráng như vậy nhưng HAGL đã không may mắn khi bắt đầu triển khai trồng thì giá mủ cao su cao, đến khi chính thức đưa vào khai thác thì gặp phải khủng hoảng kinh tế, giá dầu giảm mạnh dẫn đến giá mủ cao su giảm sâu, đẩy HAGL đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng. “Đến nay tổng dư nợ vay của tập đoàn khoảng 23.000 tỉ đồng dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh hằng năm rất lớn” - ông Đức thừa nhận.

Đứng trước khó khăn này, HAGL đã quyết định chuyển hướng sang trồng cây ăn trái với tổng diện tích lên đến 12.000 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, chanh dây, bưởi da xanh, mít… Mặc dù đã có lợi nhuận, có tín hiệu khả quan nhưng HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.

Cuối cùng, bầu Đức tìm đến Thaco và Thaco đã trở thành vị cứu tinh cho bầu Đức. Bầu Đức nói: “Tôi chọn ông Dương (ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco - PV) vì hai lý do chính: Có tiền tươi, đã từng quản lý từ nhỏ tới lớn và đặc biệt, ông Dương quản lý cả vi mô. HAGL có nhiều thứ, có hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, có quỹ đất rất lớn, có một cơ sở hạ tầng đã hình thành… nhưng lại thiếu quản trị và tài chính”.

Cũng theo bầu Đức, muốn cứu HAGL phải rất to, rất mạnh mới cứu được. “Tàu lớn đang chìm ngoài biển mà dùng các tàu nhỏ thì cứu gì. Cái tôi cần là quản trị nhưng phải là quản trị của doanh nghiệp lớn đã có thành công và cần đối tác đồng hành. Nếu có thêm hai yếu tố này thì phát triển thành doanh nghiệp lớn thật sự không khó nữa. Hai bên bổ sung vào thì rất tốt” - ông chia sẻ.

“Chú rể” Thaco về chung một nhà với “cô dâu” bầu Đức để vực dậy nông nghiệp. Ảnh: TL

Ông Trần Bá Dương: “Tôi hiểu việc đối mặt rủi ro”

Nhìn về Thaco, dễ thấy không chỉ đơn thuần là một nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Việt Nam. Việc tham gia đầu tư hợp tác với HAGL cũng không phải là quyết định ngẫu hứng.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, chia sẻ: Đầu năm 2018, ông Đoàn Nguyên Đức đã gặp và nhờ ông giúp đỡ những khó khăn HAGL đang gặp phải, gồm thiếu vốn để gia tăng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Bên cạnh đó, ông Đức còn mời gọi ông Dương đầu tư cùng ông để vực dậy HAGL, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành dự án bất động sản tại Myanmar.

“Do điều kiện khách quan nên HAGL đã lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Là một doanh nhân nên tôi hiểu việc đối mặt với những rủi ro trong kinh doanh do biến động khôn lường của nền kinh tế thị trường là điều khó tránh khỏi. Khi đi tham quan những rừng cao su bạt ngàn xanh tươi, những nông trường cây ăn trái rộng lớn của HAGL đầu tư, tôi nhận thấy phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ. Hơn hết là phải chia sẻ, đồng hành cùng ông Đức và HAGL vượt qua khó khăn” - ông Dương chia sẻ.

Điểm quan trọng nhất của Thaco là đưa những hình mẫu công nghệ đã ứng dụng thực tế trong việc sản xuất xe hơi vào ứng dụng cho nông nghiệp. Ông Dương nói: “Chúng tôi nhận thấy cần phải có thêm một số giải pháp đồng bộ nhằm chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp. Chẳng hạn, quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến…”.

“Cú đảo chiều lịch sử

Có thể thấy việc phát triển một tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đang dần trở nên hiện thực trong một tương lai không xa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc hợp tác này không chỉ thiết lập một hình mẫu tiên tiến về ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp mà rộng hơn, cùng kiến tạo xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp; mở rộng sân chơi, mời gọi những doanh nghiệp lớn đầu tư và phát triển trong nông nghiệp, tham gia sâu vào nông nghiệp. Có thể coi đây là cú đảo chiều lịch sử.

“Cách làm này sẽ góp phần phá vỡ định kiến lâu năm về nông nghiệp Việt Nam. Đó là làm nông nghiệp nhiều rủi ro và không thể giàu. Bây giờ ngược lại, làm nông nghiệp sẽ giàu lên nếu tư duy sản phẩm tốt, chiến lược thị trường thông minh, biết ứng dụng công nghệ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von sự hợp tác giữa Thaco và HAGL là cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối bởi lẽ một bên là nhà công nghiệp hàng đầu - Tập đoàn Thaco, còn bên kia là một trong những mô hình nông nghiệp quy mô lớn đã về cùng một nhà trong bối cảnh chúng ta chủ trương tăng cường cơ giới hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam. “Chú rể” là một nhà kỹ trị có đam mê, còn “cô dâu” là người có tình yêu nông nghiệp và quyết tâm lớn.

Môn đăng hộ đối còn bởi lẽ tiềm lực tài chính, năng lực và công nghệ của Thaco sẽ góp phần bù đắp những khoảng trống hiện nay của nông nghiệp Việt Nam. Qua đó biến giấc mơ và khát vọng nông nghiệp của HAGL nói riêng và nông nghiệp nói chung của Việt Nam, Lào, Campuchia trở thành hiện thực.

“Thay vì cách giải cứu truyền thống kêu gọi mọi người mua nông sản rớt giá thì chúng ta cùng nhau thúc đẩy xu hướng căn cơ hơn là: Các doanh nghiệp, với tiềm lực lớn tham gia góp vốn, đem tâm sức, công nghệ và trình độ kỹ trị góp phần làm thay đổi nền tảng nông nghiệp nói chung” - Thủ tướng kêu gọi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm