Công ty Việt lên sàn ​Mỹ: Cứ đi rồi sẽ đến

Hai hãng tin hàng đầu của Mỹ là Bloomberg Reuters mới đây đã viết về tham vọng gọi vốn trên sàn chứng khoán Mỹ của các công ty Việt Nam. Theo đó, hãng ô tô VinFast và hãng bay Bamboo muốn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE, Mỹ).

Muốn đứng chung nhóm các khổng lồ

Hãng tin Bloomberg cho biết VinFast sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường Mỹ với kỳ vọng thu về 2 tỉ USD. Thời gian chào bán dự kiến trong quý II-2021. Khả năng đợt chào bán lần này có thể đạt mức 3 tỉ USD, giúp giá trị vốn hóa của hãng vào khoảng 50 tỉ USD sau khi niêm yết.

Với giá trị vốn hóa trên, VinFast có thể đứng chung nhóm các gã khổng lồ sản xuất ô tô thế giới. Chẳng hạn, giá trị vốn hóa của hãng Honda hiện đạt mức 51,52 tỉ USD, Ford là 49,77 tỉ USD và Hyundai là 51,22 tỉ USD.

Phản hồi trước thông tin trên, Tập đoàn Vingroup khẳng định công ty thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast. Điển hình là những cơ hội huy động vốn như đầu tư vốn trực tiếp vào công ty, phát hành cổ phiếu mới, sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (Specified Purpose Acquitision Company (SPAC) - một phương thức giúp các công ty có thể nhanh chóng lên sàn, dù chưa đạt đủ các tiêu chuẩn niêm yết) hoặc các giao dịch khác.

Tập đoàn này cũng cho biết việc triển khai các giao dịch huy động vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng bay Bamboo Airways, cũng cho biết dự kiến vào quý III năm nay hãng sẽ chào bán 5%-7% cổ phần trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đợt chào bán này kỳ vọng thu hút được 200 triệu USD, nếu thành công, hãng sẽ có mức định giá lên đến 4 tỉ USD.

Niêm yết công ty trên sàn chứng khoán Mỹ là một trong những giải pháp gọi vốn hiệu quả. Ảnh: NBC News

Thành công sẽ gây tiếng vang lớn

Trước những thông tin đầy tích cực này, TS Đoàn Bảo Huy, giảng viên tài chính ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng quyết định gọi vốn ở sàn chứng khoán nước ngoài như Mỹ là phù hợp. Việc gọi vốn thành công ở Mỹ, một thị trường có tính minh bạch cao, đòi hỏi các điều kiện niêm yết khó nhằn, sẽ gây được tiếng vang rất lớn ở thị trường tài chính quốc tế. Vingroup đã từng niêm yết trái phiếu tại Singapore, nay nếu thành công trong gọi vốn ở Mỹ sẽ gia tăng vị thế của công ty ở các lần huy động vốn sau đó.

“Điều này cũng truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp (DN) khác muốn niêm yết tại thị trường nước ngoài, mở rộng khả năng tiếp cận vốn của DN Việt” - TS Huy phân tích.

Một chuyên gia kinh tế không muốn nêu tên cũng nhìn nhận: Nếu VinFast phát hành thành công ở Mỹ và đạt mức định giá được 50 tỉ USD chắc chắn sẽ truyền dẫn đến giá cổ phiếu của tập đoàn này tăng gấp nhiều lần, do công ty này đang nắm vai trò chi phối VinFast. Bằng chứng là khi thông tin VinFast dự định niêm yết trên sàn Mỹ thì cổ phiếu Vingroup đã tăng rất mạnh.

“Nếu quả thật Bamboo lẫn VinFast thành công niêm yết trên sàn Mỹ thì đây là điều đáng tự hào vì xưa nay chưa có công ty Việt Nam nào làm được việc này hoặc làm nhưng không thành công. Một khi đã đạt tầm niêm yết quốc tế chắc chắn các công ty phải xây dựng nền tảng đằng sau cực kỳ vững mạnh. Ngoài ra, sự thành công này không đơn thuần chỉ các công ty đó hưởng lợi mà toàn bộ thị trường Việt Nam cùng hưởng lợi. Chẳng hạn, VinFast sẽ kéo toàn bộ ngành công nghiệp hỗ trợ cùng phát triển” - vị chuyên gia này nói.

Bamboo muốn lên sàn Mỹ. Ảnh: NBC News

Con đường phía trước còn dài

Những kỳ vọng về thành công của các công ty Việt Nam lên được sàn chứng khoán Mỹ là rất cao nhưng hành trình hướng về mục tiêu này không hề đơn giản. Thực tế, từ lâu nhiều công ty Việt Nam đã muốn niêm yết trên sàn Mỹ và nước ngoài nhưng vì một số lý do mà giấc mơ không thành sự thật.

Chẳng hạn như với Vinamilk, mặc dù nhận được thư chấp nhận niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Singapore ngày 31-10-2008, song việc niêm yết đã không thành hiện thực. Hay Vinagame tuyên bố sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ vào năm 2017 nhưng giờ đây đã không còn được nhắc đến. Một công ty Việt Nam khác là Cavico đã từng lên sàn chứng khoán Mỹ nhưng phải rời sàn vào năm 2011.

Theo TS Đoàn Bảo Huy, giảng viên tài chính ĐH RMIT Việt Nam, các công ty Việt đối diện với nhiều điều kiện khó khăn để thực hiện thành công niêm yết trên sàn Mỹ. Ví dụ, theo điều kiện niêm yết lần đầu của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), các công ty nước ngoài cần phải thỏa mãn một trong những điều kiện sau đây: Phải có lợi nhuận trước thuế hoặc dòng tiền ba năm gần nhất ít nhất 100 triệu USD; mỗi năm trong hai năm gần nhất ít nhất 25 triệu USD; giá trị vốn hóa ít nhất 500 triệu USD; doanh thu năm gần nhất ít nhất 75-100 triệu USD... Bên cạnh đó còn có những điều kiện khác như số lượng cổ đông, số lượng cổ phiếu nắm giữ bởi các cổ đông bên ngoài công ty.

Do đó, việc thỏa mãn các yêu cầu của NYSE là rất khó, mặc dù nhìn về kỳ vọng tăng trưởng rất khả quan trong tương lai. Tuy nhiên, các công ty này có thể xem xét niêm yết thông qua SPAC sẽ dễ dàng hơn, không có các quy định khắt khe về lợi nhuận và doanh thu để rút ngắn đáng kể quy trình so với cách chào bán cổ phiếu truyền thống.

Đại diện một số DN thừa nhận hiện vẫn chưa có công ty Việt nào lên sàn Mỹ thành công, chủ yếu do lo ngại không cạnh tranh nổi với các đối thủ khác. Tuy nhiên, TS Majo George, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng dũng cảm ra nước ngoài với chào bán cổ phiếu là một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tự tin và tầm nhìn của bất kỳ công ty nào. Quyết định chào bán cổ phiếu ở nước ngoài sẽ mở ra cánh cửa để thu hút số lượng vốn rất lớn từ nước ngoài.

Mặt khác, hiện trong tất cả sàn chứng khoán thế giới, sàn Mỹ vẫn là sàn có tính thanh khoản cao nhất. Do vậy, nhà kinh doanh Việt Nam cần phải mạnh dạn ra biển lớn. Ngồi thì không tới, cứ đi rồi sẽ tới!

Quan trọng nhất là tính minh bạch

Để phát hành thành công trên sàn chứng khoán Mỹ, yếu tố quan trọng nhất là tính minh bạch. Mọi chuyện tốt xấu, lỗ lãi phải nói hết trong hồ sơ niêm yết. TS Majo George, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng thành công hay không phụ thuộc vào góc nhìn nhà đầu tư.

“Các nhà đầu tư có xu hướng mổ xẻ rất kỹ lưỡng công ty phát hành. Họ mổ xẻ từ tình hình kinh doanh, công nghệ, bán hàng, tiềm năng thị trường cho đến thương hiệu, quy mô, khả năng sinh lời và lĩnh vực hoạt động cũng như tài sản để quyết định đầu tư hay không” - ông cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm