Công ty Việt bỗng dưng bị vạ lây vì siết chuyển giá

Ngày 29-11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của DN để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017.

Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.

Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của DN thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của DN. Nội dung này đang gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của DN có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán.

Doanh nghiệp trong nước bị "vạ lây"

Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, “chuyển giá”, “ngăn chặn chuyển giá”,... Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 20, tạo ra quy định quản lý chống chuyển giá.

Việc thực hiện các quy định về chống chuyển giá theo Nghị định 20 đã giúp cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính thu về ngân sách mỗi năm 11.089 tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua hơn hai năm triển khai, bên cạnh mặt tích cực này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết có bất cập là phạm vi đối tượng áp dụng rộng, áp dụng cho tất cả đơn vị có giao dịch liên kết; gây khó cho các hoạt động của DN trung chuyển vốn vay - cho vay lại (holding), hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3 Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài". Ảnh: TC

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Tài chính của Tập đoàn Vingroup  cho rằng khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định nội dung hoàn toàn mới, không được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập DN là chưa phù hợp.

“Trên thực tế so với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay. Việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập DN cao hơn và lợi nhuận thật của DN bị giảm đáng kể, không ít DN bị lỗ nặng” - bà Hoa phản ánh.

Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam bày tỏ Chính phủ cho phép công ty mẹ EVN là chủ thể vay để cho vay lại tới các tổng công ty phát điện. “Bản chất mối liên kết này không phải EVN vay về để cho vay lại nhằm mục đích chuyển giá theo tinh thần Nghị định 20. Nhưng theo Nghị định 20 thì chúng tôi phải nộp thuế (cho khoản chi phí lãi vay vượt 20% lợi nhuận thuần - PV) là không hợp lý, dẫn đến EVN buộc phải nộp thuế tăng 500 tỉ đồng”- ông Nam nói.

Các DN tại cuộc họp đề nghị Chính phủ tạm dừng thi hành khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20, còn EVN thì đề nghị Chính phủ đưa các DN như EVN ra khỏi đối tượng điều chỉnh của nghị định này.

Nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30%

Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho rằng Nghị định 20 có ý nghĩa ứng xử công bằng, khách quan giữa các loại hình DN.

“Chúng tôi chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định rất kỹ trong hai năm, tham khảo và tiếp nhận rộng rãi ý kiến các bên, nhất là các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Thực tế khi lấy ý kiến về nội dung này của nghị định thì DN không có ý kiến gì còn các DN FDI phản ứng mạnh nhưng khi ban hành thì họ không có ý kiến gì nữa vì đã đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Ngược lại, khi ban hành xong rồi thì các DN trong nước lại có ý kiến về chi phí lãi vay” - ông Tuấn nói.

Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên trường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ ủng hộ Nghị định 20 và chỉ ra thực trạng trong nước, cùng một tỉ lệ thuế suất, vẫn có hiện tượng chuyển giá, như giữa trong khu chế xuất và ngoài khu chế xuất; trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp, hai doanh nghiệp hoạt động trong hai chế độ khác nhau, nơi thuế thu nhập 20%, nơi chỉ có 10%. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 là hoàn toàn đúng pháp luật, phù hợp, đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, ông Chiểu cho rằng Chính phủ chỉ cần tập trung xử lý số lượng 15% là các DN trong nước trong tổng số các giao dịch liên kết hiện nay. Hướng sửa theo ông Chiểu là nâng chi phí mức lãi vay từ 20% như hiện nay lên 30% và kèm theo điều kiện loại trừ một số trường hợp và cho phép hạch toán chi phí lãi vay vào số lỗ được chuyển giao theo quy định pháp luật về thuế thu nhập DN.

Ý kiến của ông Chiểu được lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, đại diện Bộ Tư pháp đồng tình và đề xuất Chính phủ soạn thảo một Nghị định sửa đổi Nghị định 20 theo hình thức rút gọn.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho rằng nếu nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30% sẽ cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ thấy thỏa đáng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng.

“Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3 Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho DN nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá” - Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn. Nội dung sửa đổi tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm