Có thể được vay tới 120% giá trị tài sản thế chấp

Trong khi các ngân hàng nội trước giờ chỉ cho vay cao nhất lên tới 70-80% giá trị tài sản đảm bảo, thì hiện lại có ngân hàng ngoại phê duyệt giá trị khoản vay tối đa lên tới 120% giá trị tài sản thế chấp. Đây được xem mà tỷ lệ “khủng” nhất từ trước tới nay.

Thông tin trên đã được bà Hồ Diệu Vân, Giám đốc Khối Tài chính Doanh nghiệp của ngân hàng UOB Việt Nam (Singapore) cho biết tại tọa đàm “Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa-SME” vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Vân cho biết: Hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nên khi phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính, UOB luôn đặt lợi ích của các SME lên hàng đầu.

Chẳng hạn đối với doanh nghiệp vay có tài sản đảm bảo, thì họ luôn mong muốn được vay với giá trị cao nhất và lãi suất ổn định nhất. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc thành lập với thời gian ngắn chưa có tích lũy tài sản thì muốn được với hình thức vay tín chấp.

"Hiện giờ nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì UOB có thể cung cấp giá trị khoản vay lên tới 120% của giá trị tài sản đảm bảo đó. Còn đối với các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, hiện nay UOB có sản phẩm vay tín chấp mà khách hàng không cần cung cấp bất cứ giấy tờ gì cho ngân hàng. Thay vào đó, UOB sẽ dựa vào các thông tin trên kỹ thuật số”, bà Vân nói.

Hầu hết các doanh nghiệp tham dự tọa đàm cũng bày tỏ khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn chính thống từ ngân hàng là tài sản thế chấp. Bởi với quy mô và bề dày kinh nghiệm, các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ rất khó được các ngân hàng duyệt vay tín chấp. Còn tài sản thế chấp là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nhất là với các starup.

Chia sẻ về những khó khăn khi tiếp cận vốn vay, chị Phương Hà, phó giảm đốc công ty GIFTBRAND, đơn vị chuyên sâu cung cấp sản phẩm quảng cáo cho biết: Là một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, tiếp cận vốn vay ngân hàng vô cùng khó.

Chẳng hạn như vay tín chấp tại Vpbank hiện đã lên tới 2%/tháng. Đây là mức lãi suất quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Chính vì thế mà tôi đã làm xong hết thủ tục hồ sơ vay tín chấp tại Vpbank rồi nhưng “để chơi” vậy thôi. Hay như với Techcombank, tôi cũng đã tiến hành vay nhưng vô cùng tốn kém các khoản phí dịch vụ. Trong khi đó, đến vay tại các ngân hàng nước ngoài thì lãi suất ổn định.

“Hiện tôi vay 2 tỷ đồng tại một ngân hàng 100% vốn nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, với lãi suất chỉ có 6,9%/năm và cứ 5 tháng thì đáo hạn một lần. Biểu lãi suất cho vay 3 tháng thay đổi một lần và hiện đã giảm xuống còn 6,6%/năm. Điều đặc biệt nữa là giá trị tài sản đảm bảo của tôi được định giá ở mức rất cao”, chị Phương Hà cho biết thêm.

Tương tự ông Nguyễn Văn Kiệm, giám đốc công ty cung cấp ứng dụng tài chính Getcash cho biết: “Câu đầu tiên mà các ngân hàng hỏi khi đi vay là có tài sản đảm bảo không. Sau đó thì phải cung cấp hàng loạt giấy tờ như báo cáo thuế, báo cáo tài chính, lợi nhuận… Mà với một doanh nghiệp khởi nghiệp thì những làm sao có thể đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đó.”

SME là một bộ phận quan trọng và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nhưng hiện nay các SME ở Việt Nam tồn tại rất nhiều chướng ngại khó vượt qua để mở rộng quy mô kinh doanh như trình độ quản lý, kỹ thuật công nghệ và quan trọng nhất là vốn.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đi vay vốn thì các ngân hàng cứ đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên các SME rất khó tiếp cận vốn. Việc các ngân hàng cứ đòi hỏi tài sản thế chấp khi duyệt vay vốn cho các SME là 1 rào cản rất lớn cho các SME phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

“Rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang hoạt động như tiệm cầm đồ, cho vay chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp. Các ngân hàng thương mại nên tăng cường cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chứ không thể cứ chằm chặp vào tài sản thế chấp để đảm bảo an toàn vốn vay của mình. Có như vậy, các SME Việt Nam mới có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nhờ nguồn vốn dồi dào. Tất nhiên là rủi ro sẽ cao hơn nhưng cơ hội cũng sẽ nhiều hơn”, ông Hiếu phân tích.

Ông David Nguyễn Vũ - Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore, Chủ tịch Quỹ đầu tư Requlus investment and capital holding, cho rằng:“Các SME là nên thay đổi cách làm việc để chính thống hoá, đào tạo nhân viên bài bản, ghi nhận tất cả chỉ số doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, rõ ràng để ngân hàng và nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác năng lực của doanh nghiệp”, ông David Nguyễn Vũ đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm