Cơ sở in tiếp tay cho mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2019, ngày 19-9 tại Tuy Hòa, Phú Yên. Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động in đang tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung.

Năm 2018, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các đội liên ngành phòng chống in lậu địa phương thực hiện hơn 1.600 cuộc thanh kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính đối với 127 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 765 triệu đồng. Tịch thu, tiêu hủy 29.700 xuất bản phẩm, hơn 1.400 lịch block, 372 bản kẽm in.

Tuy vậy, tình hình in lậu xuất bản phẩm hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, làm thất thu ngân sách nhà nước. 

Đáng lo ngại khi hành vi in lậu còn tiếp tay cho sản xuất hàng giả, hàng nhái thông qua việc in tem, nhãn, bao bì giả các sản phẩm điện tử, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm... Tình trạng in các loại catalouge, tờ rơi quảng cáo có nội dung sai phạm về công dụng, thành phần, mục đích sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tiếp tục xảy ra. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng.

Một số cơ sở in vì lợi nhuận, thiếu trách nhiệm với xã hội nên “nhắm mắt” in các sản phẩm có nội dung sai phạm.

Hội nghị tổng kết tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc năm 2019.

Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương Việt Nam cho biết để thực hiện hiệu quả chống in lậu, in giả trong thời gian tới cần tăng cường cung cấp, trao đổi, công khai thông tin về in lậu, về các xuất bản phẩm bị đình chỉ phát hành. Thu hồi, tiêu hủy nhằm có thêm cơ sở để phát hiện xử lý đối tượng vi phạm.

Tăng cường phối hợp giữa ngành xuất bản và quản lý thị trường trong thực hiện kiểm tra đột xuất cơ sở in. Tăng cường phối hợp với các đơn vị quân đội, công an, ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện kiểm tra các cơ sở in. Công tác phối hợp giữa các ngành cần có kế hoạch cụ thể để phát hiện xử lý các vụ mua bán, tàng trữ sản phẩm in lậu.

Tiếp tục hoàn thiện các chế tài xử lý hành vi in lậu theo hướng tăng nặng mức xử phạt; bổ sung trách nhiệm của chủ thể đặt in. Nghiên cứu đưa hành vi mua bán, tàng trữ xuất bản phẩm in lậu, không có hóa đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp vào Điều 344 Bộ luật Hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm