Cơ quan nhà nước sẽ không làm tư vấn

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), ông Dương Đăng Huệ, cho biết theo dự thảo nghị định, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh phải giúp doanh nghiệp khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật...

Tuy nhiên, một vài ý kiến băn khoăn nếu người đến xin giải đáp pháp luật là luật sư, công ty luật, khi đó cơ quan nhà nước có trả lời hay không? Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đáp cơ quan nhà nước sẽ không thực hiện chức năng tư vấn, nếu có tranh chấp thì phải đưa tới các tổ chức tư vấn. “Cũng không thể có chuyện cơ quan nhà nước A tư vấn cho doanh nghiệp hoặc luật sư để “đấu” với cơ quan nhà nước B được” - ông Liên phân tích thêm.

Ông Dương Đăng Huệ cũng bổ sung, dù nghị định không quy định nhưng văn bản giải đáp chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị pháp lý bắt buộc. “Đây là hoạt động theo chức năng nên trường hợp sai sót là không thể tránh khỏi, trừ khi chứng minh có sự cố ý thì có thể đặt ra vấn đề bồi thường” - ông Huệ nói.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam băn khoăn làm thế nào để bảo đảm tính khả thi của nghị định này. Theo ông Huỳnh, nghị định cần phải quy định chế tài cụ thể để “xử” các cơ quan chức năng không thực hiện trách nhiệm của mình. Về vấn đề này, Thứ trưởng Liên thừa nhận “một sản phẩm của bao cấp bao giờ cũng “nhợt nhạt” hơn sản phẩm của kinh tế thị trường” nên băn khoăn lớn nhất của ông vẫn là “của cho là của... ôi”. Vì vậy, “Cần xây dựng hệ tiêu chí về mặt chất lượng đối với công việc này để làm thước đo đánh giá sự hoàn thành công việc” - ông Liên đề xuất.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm