Có nghị định vẫn vướng

Thế nhưng khi nghị định này ra đời cũng còn rất nhiều vấn đề mà thị trường bất động sản dường như vẫn chưa được thông. Cụ thể, với quy định mức vốn pháp định của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản là sáu tỷ đồng, thế nhưng ai sẽ là người quản lý, chịu trách nhiệm xác nhận vốn pháp định này?

Thực tế, có không ít doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này băn khoăn không biết vốn sáu tỷ đó là để làm gì? Có vốn pháp định rồi thì doanh nghiệp có được dùng số vốn này để kinh doanh không hay là ký gửi để đảm bảo an toàn cho khách hàng? Thế nhưng, với hàng loạt câu hỏi nêu trên, Nghị định 153 cũng chưa có câu trả lời rõ ràng dù đã ban hành được gần hai tháng. Cho đến nay, doanh nghiệp vẫn mỏi mắt chờ.

Hơn nữa, một quy định làm khó doanh nghiệp khi hai nghị định lại “đẩy việc” cho nhau. Đó là trong Nghị định 153, quy định vốn pháp định thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Thế nhưng, Nghị định 139 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, cũng chỉ ban hành sớm hơn Nghị định 153 có 40 ngày thì nêu rõ ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, mức vốn pháp định cụ thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn pháp định... áp dụng tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Pháp luật doanh nghiệp thì hướng dẫn thực hiện theo pháp luật chuyên ngành, mà pháp luật chuyên ngành cụ thể ở đây là pháp luật kinh doanh về bất động sản lại bảo theo pháp luật doanh nghiệp. Rõ ràng là có sự chồng chéo giữa hai nghị định nêu trên về vốn pháp định. Điều này thêm một lần nữa làm cho hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung bị bế tắc.

Đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phải chiếu vào văn bản luật nào để có thể đăng ký kinh doanh bất động sản cho người dân mà không phạm luật hay tình thế hiện nay đành nói với người dân là xếp hồ sơ để chờ văn bản hướng dẫn tiếp?

Trong tình thế này, chắc doanh nghiệp và người dân phải rủ nhau mà bắc thang lên hỏi ông trời!

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm