Chưa thống nhất về quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu

Đây là kết quả tổng hợp từ 161 cuộc kiểm toán được KTNN tiến hành năm 2011 và đã được gửi tới QH tại kỳ họp thứ 3. Trong đó, những vấn đề nóng như hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, nợ xấu và rủi ro trong hoạt động ngân hàng... đã được nhiều đại biểu QH khai thác, sử dụng và được báo chí phản ánh. Chính vì vậy, tại cuộc họp báo, vấn đề mà các phóng viên quan tâm không gắn trực tiếp nhiều tới báo cáo kiểm toán mà đi vào những chuyện cụ thể, chẳng hạn như điều hành giá xăng dầu và cách thức hình hành, sử dụng quỹ bình ổn giá.

Theo báo cáo của KTNN, việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đang theo cách trích cả khi doanh nghiệp lỗ nên có lúc quỹ bị ảo. Ngoài ra, như giải thích của Phó Tổng kiểm toán Lê Minh Khái, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu hoạt động độc lập, khác nhau từ mức giá, thời điểm nhập đến cơ sở vật chất, hệ thống phân phối, dẫn tới lãi lỗ và cách tính không thể giống nhau. Thế nhưng trích lập quỹ bình ổn giá lại giống nhau, cứ 1 lít bán ra là phải trích nộp chừng đó tiền. Cơ chế ấy gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp.

Ngoài vướng mắc trên, việc trích quỹ còn bất cập ở chỗ có những lúc quỹ rất lớn mặc dù để cho doanh nghiệp quản lý nhưng vì tính chất đặc thù mà phải để không, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho chuyển quỹ bình ổn giá xăng dầu về quản lý tập trung ở kho bạc. Ông Khái ủng hộ cách làm này.

Tuy nhiên, cũng tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên lại có quan điểm khác. “Về góc độ dư luận, chuyển sang Kho bạc Nhà nước sẽ dễ tạo đồng thuận xã hội, tuy nhiên với góc độ của người làm nghiên cứu thì tôi cho là việc chuyển này không hiệu quả” - ông Kiên nói. Ông cho rằng những năm 2010-2011, doanh nghiệp đã quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá khá tốt, không trái mục đích, hỗ trợ hiệu quả cho việc giữ ổn định giá xăng dầu thời gian qua.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm