Chủ DN vốn 500.000 tỉ: 'Hơn 21,7 tỉ USD với tôi chỉ là con số khiêm tốn'?

Ngày 2-6, trao đổi với PLO về việc đăng ký các công ty có vốn điều lệ siêu khủng hơn 500.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu, cho biết công ty đăng ký và làm thật chứ không đăng ký ảo vốn như công ty ngoài Hà Nội (hơn 100.000 tỉ đồng).
“Tôi thấy rất phiền khi một số trang thông tin, báo chụp hình nhà của tôi. Bên cạnh đó, những thông tin về các cổ đông góp được truyền thông đăng lên cũng rất ngại. Tôi kinh doanh chân chính không ngại để cho mọi người thấy tôi làm đang làm gì, đến nhà tôi vẫn tiếp đón bình thường” - ông Quốc Anh nói. 

Lãnh đạo công ty này tự tin về khả năng góp số vốn "khủng" 500.000 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi làm sao có đủ số tiền hơn 500.000 tỉ đồng để góp đủ vốn như đăng ký, ông Quốc Anh cho biết có hai dòng tiền để đưa vào, một là do tập đoàn tự làm ra bằng cách tự sản xuất phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin của tập đoàn và của các đối tác. Cụ thể là tập đoàn tự sản xuất các phần mềm ứng dụng như tuyển dụng tự động, quản lý nhân sự, hay Blockchain… cho các công ty trong nước lẫn nước ngoài. Dòng tiền thứ hai là tập đoàn kêu gọi chủ đầu tư mua cổ phần. 
“Còn số tiền hơn 21,7 tỉ USD, với tôi chỉ là con số khiêm tốn, nên không có vấn đề gì. Việt Nam sẽ có hơn 1,4 triệu doanh nghiệp, tập đoàn tôi có cả một rổ sản phẩm, tới chào doanh nghiệp, doanh nghiệp nào cũng khó khăn, bèo bèo mỗi doanh nghiệp cũng chọn sử dụng mỗi tháng một sản phẩm. Số tiền thu về rất là khủng. Chưa kể tôi còn làm việc với các quốc gia khác, tập đoàn sẽ đẩy sản phẩm sang các quốc gia khác để bán nữa” - ông Quốc Anh nói.

Tổng giám đốc doanh nghiệp đăng ký vốn 500.000 tỉ đồng cho biết hiện tập đoàn đang sản xuất sản phẩm, chưa chào bán nên chưa có khách hàng, cũng như chưa có doanh thu.

Tuy nhiên, nói về việc góp đủ số vốn hơn 500.000 tỉ đồng thì ông Quốc Anh cho biết cứ chờ sau 90 ngày mới biết, chưa đến thời điểm đó nên chưa biết thiếu, đủ, hay dư.  
Khi chúng tôi đặt câu hỏi tập đoàn đã có khách hàng và doanh thu chưa thì ông Quốc Anh cho biết hiện công ty đang sản xuất sản phẩm, chưa chào bán nên chưa có khách hàng, cũng như chưa có doanh thu.
Thông tin với PLO về trường hợp công ty đăng ký vốn hơn 500.000 tỉ đồng, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết khi doanh nghiệp này đăng ký thành lập với số vốn điều lệ quá lớn trên, phòng đã liên hệ trao đổi với đại diện công ty này thì họ cho biết góp vốn là chuyện của doanh nghiệp, họ có khả năng góp được nên sở cũng không có cơ sở để từ chối.
"Theo như hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này thì thời hạn góp đủ vốn là ngày 18-8-2021. Trong thời gian này thì sở chỉ gửi thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về doanh nghiệp để thực hiện công tác hậu kiểm và theo dõi. Đến thời điểm gần hạn góp vốn, sở sẽ cảnh báo cho doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình" - đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh nói.
Đăng ký vốn ảo, để PR sẽ làm méo mó nền kinh tế
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng số vốn lớn đó chỉ có thể ngân hàng hay một số tập đoàn trên thế giới có. Vì ở Việt Nam, các ngân hàng, hay tập đoàn lớn vốn điều lệ cũng chỉ vài tỉ USD, còn con số hơn 21 tỉ USD của công ty này đăng ký thì cần phải kiểm tra có góp thật hay không. Khi nào các cổ đông góp vốn đủ và chuyển tiền đó vào ngân hàng thì mới được coi là vốn thật.
Theo ông Hiếu, việc các công ty đăng ký vốn điều lệ khác với vốn thực góp ở Việt Nam cũng thường xảy ra. Tình trạng này sẽ làm con số thông kê không chính xác, ảnh hưởng đến điều hành chính sách của chính phủ, làm méo mó bức tranh kinh tế, tạo ra một sự lạc quan không có cơ sở.

Luật sư Trần Xoa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng có tình trạng một số công ty đăng ký vốn điều lệ "ảo" với số tiền lớn để gây sự chú ý của truyền thông cố tình PR cho doanh nghiệp, cho sản phẩm của doanh nghiệp đó. Thế nhưng sau khi đạt được mục đích, công ty sẽ làm thủ tục giảm số vốn điều lệ theo khả năng góp vốn thực tế. 

"Tuy nhiên, việc công ty đăng ký vốn ảo khiến làm mất thời gian cho các cơ quan nhà nước xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp và khiến các con số thống kê cũng thiếu chính xác vì những kiểu đăng ký có mục đích PR hoặc đăng ký cho vui" -  Luật sư Xoa nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm