Chợ, siêu thị vắng khách vì sợ dịch COVID-19

Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về phòng, chống COVID-19 ngày 24-5 nêu rõ: trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, TP.HCM tổ chức giãn cách mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ đầu mối,… theo hướng dẫn mua từng nhóm, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét và hạn chế tối đa tập trung đông người…

Ghi nhận của PV ngày 29-5 cho thấy rơi vào ngày cuối tuần nhưng tình hình mua sắm ở các chợ, siêu thị vắng người. 

Tại các siêu thị như Lotte Mart Tân Bình, Co.opmart SCA Âu Cơ Tân Phú, Aeon Celadon Tân Phú đều yêu cầu khách đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, bố trí nước sát khuẩn cho khách trước khi vào siêu thị…

Đại diện Saigon Co.op cho biết, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Saigon Co.op trong giai đoạn này là đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân, trong đó các phương án vận chuyển hàng hóa, cách ly nếu cần thiết, …. được lên sẵn nhiều kịch bản để chủ động đối phó dịch.

Saigon Co.op cũng tăng cường công tác bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi cho khách hàng.

Đại diện Aeon Việt Nam cho hay, Aeon Việt Nam vẫn luôn duy trì và nay càng tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch tại chỗ cũng như các phương thức mua sắm nhằm mang đến môi trường mua sắm an toàn cho khách hàng.

Từ cuối tháng 4 khi dịch bệnh quay lại, số lượng đơn đặt hàng trên các kênh trực tuyến, mua hàng qua điện thoại đều tăng nhanh chóng.

Chẳng hạn từ 21-4 đến 5-5 đơn hàng mua sắm của nhóm hàng mì gói, thực phẩm khô qua trang thương mại điện tử Aeon Eshop tăng 200% so với trung bình trước đó; nhóm hàng sữa, nước giải khát tăng 150% so với ngày thường

Đáng chú ý, trong tháng 4, lượng khách hàng mua sắm qua ứng dụng grabmart tăng 125%, dịch vụ đi chợ hộ tăng 213%...

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để hỗ trợ khách hàng mua sắm tiện lợi và nhanh chóng, Aeon Việt Nam phối hợp với các đối tác để giao hàng nhanh trong ngày đối với một số nhóm sản phẩm…”, đại diện Aeon Việt Nam cho hay.

Trước đó, ngày 21-5 UBND TP.HCM cũng có công văn khẩn đề nghị tạm dừng hoạt động một số loại hình kinh doanh dịch vụ gồm khu vui chơi, giải trí; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử…

Tại một số siêu thị các gian hàng thuộc diện phải tạm dừng hoạt động cũng được tuân thủ nghiêm ngặt.

Ngày 24-5, Emart Việt Nam thông báo tạm dừng hoạt động khu vui chơi Playtime, Trung tâm Anh ngữ Apollo & Khu game Timezone trên tầng 1 Emart Vietnam cho đến khi có thông báo mới.

Mới đây, Trung tâm thương mại Vincom cũng thông báo để đảm bảo an toàn, an tâm cho quý khách trước các diễn biến mới của dịch COVID-19, Vincom tạm thời dừng hoạt động các giang hàng tại Vincom Plaza Cộng Hòa từ ngày 28-5 đến khi có thông báo mới.

Một số hình ảnh tại các siêu thị ngày 29-5 

Khách đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào siêu thị

Khoảng cách 2m tại quầy tính tiền siêu thị Co.opmart SCA Âu Cơ

Khu vực ăn uống tại Lotte Mart Tân Bình nay cũng tạm dừng phục vụ khách tại chỗ.

Khu vui chơi giải trí Tini thông báo tạm đóng cửa trong siêu thị Co.opmart SCA Âu Cơ. 

Từ 28-5 Vincom Cộng Hòa tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Một số hình ảnh tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình:

Thông điệp 5K được đặt bên hông chợ Phạm Văn Hai quận Tân Bình 

Con đường thời trang vốn sầm uất nhất tại chợ Phạm Văn Hai.

Ngành hàng ăn uống tại chợ vẫn kinh doanh bình thường nhưng vắng khách.

Ngày cuối tuần nhiều khách thường mua ở gian hàng thực phẩm chế biến này nhưng nay vắng vẻ. 

Giá thực phẩm ở chợ không biến động

Bà Hiền, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai cho biết, từ khi bùng dịch trở lại khách đi chợ giảm hẳn, nhất là những mối bán quán ăn tạm đóng cửa nên lượng hàng lấy về bán giảm hơn 30% so với bình thường.

Theo bà Hiền, giá các các mặt hàng rau không biến động nhiều, chỉ có một số mặt hàng tăng giá là do mưa làm rau dễ bị dập, úng hư phải bỏ đi nhiều.

Theo đó, ngò tăng gấp đôi, tăng cao nhất lên 50.000-60.000 đồng/kg, xà lách nhúng nhà lồng Đà Lạt giá 45.000 đồng/kg, tần ô giá 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.

Các loại khác tăng nhẹ 1.000-3.000 đồng như bắp cải 17.000-20.000 đồng/kg; bầu, bí 20.000-25.000 đồng/kg, đậu bắp 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 50.000 đồng/kg...

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm