Cho mua cổ phần bằng USD, chứng khoán sẽ lại sôi động?

Ngày 20-2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc chấp thuận cho phép nhà đầu tư Morgan Stanley Internationl Holding Inc. (MSIHI) được thanh toán tiền mua cổ phần chính chủ của Công ty Tài chính dầu khí bằng USD. Động thái này ít nhiều sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chính phủ bật đèn xanh

Trước khi có công văn chấp thuận này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có công văn đề nghị Chính phủ cho phép đối tác ngoại này được mua cổ phần bằng ngoại tệ từ công ty con của mình.

Quan trọng hơn, trong công văn nêu trên, Thủ tướng chính thức giao cho Ngân hàng nhà nước chủ trì cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan có quy định về việc thanh toán tiền mua cổ phần bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước nói chung.

Như vậy, với công văn này xem như Chính phủ đã bật đèn xanh cho nhà đầu tư ngoại mua chứng khoán bằng ngoại tệ thay vì phải hoán đổi ra tiền đồng như trước đây. Động thái này như một luồng gió mát thổi vào thị trường chứng khoán đang ảm đạm hiện nay. Vì chắc chắn các nhà đầu tư ngoại khi được tháo “vòng kim cô” tiền đồng sẽ tham gia tích cực vào thị trường hơn nữa nên dự báo chứng khoán sẽ sôi động trở lại.

Giám đốc một công ty quản lý quỹ tại TP.HCM cho biết trước đây, với những giao dịch mua cổ phần trị giá lớn từ 50 triệu USD trở lên thì nhà đầu tư ngoại trầy vi tróc vẩy bán USD để mua tiền đồng, thậm chí bán USD trước, sau đó mới chọn phương án mua cổ phần nên dẫn đến vốn bị ứ đọng.

Ngay trong đề xuất của mình mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho rằng việc cho nhà đầu tư ngoại thanh toán tiền mua cổ phần bằng ngoại tệ thì nhà nước sẽ dễ dàng thu về hàng trăm đến hàng tỷ USD cho ngân sách khi thực hiện những đợt IPO lớn mà không làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ tại một thời điểm nào đó.

VAFI lý giải, việc thanh toán cùng lúc một khối lượng lớn ngoại tệ chỉ xảy ra tại một số tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa và số tiền này sau đó được chuyển về một quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nên sẽ có nhiều thời gian chuyển đổi sang tiền đồng.

Chỉ mở một phần

Bình luận về động thái mới khi Chính phủ cho phép nhà đầu tư ngoại mua cổ phần ở các doanh nghiệp nhà nước bằng ngoại tệ, giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng chính sách có thoáng nhưng vẫn chưa nới hết. Bởi lẽ nhà đầu tư ngoại mới chỉ được dùng ngoại tệ mua cổ phần ở các đơn vị nhà nước cổ phần hóa, còn đối với các công ty cổ phần, kể cả khối ngân hàng cổ phần khi tăng vốn điều lệ, bán cổ phần vẫn chưa được phép.

Theo ông này, nếu nhà nước mở cho cả đối tượng này được bán cổ phần bằng ngoại tệ thì chứng khoán sẽ bùng lại dữ dội. Bởi khi đó, các doanh nghiệp bán cổ phần thu được tiền bằng ngoại tệ sẽ không phải đi mua USD nữa mà có thể dùng ngay tiền này nhập máy móc trực tiếp hay thanh toán quốc tế... Tuy nhiên theo ông này, đây là vấn đề rất nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ quốc gia.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại đòn bẩy mới kích chứng khoán dậy bằng việc cho đối tác nước ngoài được phép mua cổ phần ở các doanh nghiệp nhà nước bằng ngoại tệ sẽ khiến nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng “đôla hóa”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc nới lỏng trên không hẳn là xấu nhưng cũng không hẳn tốt. Mặt tích cực ở đây là Ngân hàng nhà nước tạm thời sẽ tránh phát hành thêm tiền đồng để đáp ứng nhu cầu hoán đổi của nhà đầu tư ngoại khi mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước lớn trong các đợt IPO. Mặt khác, việc này còn thúc đẩy cầu chứng khoán tăng mạnh. Bởi lẽ ai cũng biết trên thị trường chứng khoán hiện nay, chuyện mua bán của nhà đầu tư ngoại có lúc là kim chỉ nam dẫn dắt thị trường.

Tuy nhiên, mặt hạn chế xét về lâu dài chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn, rất dễ khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng “đôla hóa”. Mà một khi nền kinh tế gặp sự cố này thì các chính sách điều tiết thị trường tiền tệ của Ngân hàng nhà nước rất khó thực hiện.

Theo ông Doanh, các nhà hoạch định chính sách cũng nên lưu ý chuyện này. Vì hiện nay tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế Việt Nam đã khá trầm trọng, khi có đến 38% tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng là bằng ngoại tệ. Cho nên khi nới quy định liên quan đến chính sách tiền tệ thì các cơ quan quản lý dù được bật đèn xanh vẫn cần phải hết sức cân nhắc.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm