Chính sách tiền tệ và nguy cơ lạm phát

Việc xây dựng chính sách tiền tệ xoay quanh TTCK tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lý
Việc xây dựng chính sách tiền tệ xoay quanh TTCK tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lý

Đó quả thật là sự "náo nhiệt" bù lại những khi thị trường buồn tẻ. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ, sự náo nhiệt này sẽ đưa nền tài chính, từ đó là nền kinh tế, về nơi đâu. Câu trả lời thật vô cùng phức tạp và phải chờ diễn biến thời gian.

Tuy nhiên, với những thông tin có được và có thể dự báo, bài viết này muốn đề cập đến một vấn đề hết sức căn cơ: NHNN với chính sách tiền tệ và sự ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát.

Trên cơ sở định hướng phát triển tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, TTCK, một phần của thị trường vốn, là kênh cấp vốn mạnh và quan trọng nhất của nền kinh tế. Theo đó, đến năm 2010, TTCK Việt Nam sẽ có vốn hóa thị trường tương đương 50% GDP.

Vì thế, việc xây dựng chính sách tiền tệ xoay quanh TTCK tại Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, theo chức năng, NHNN có một nhiệm vụ tối thượng là: bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát. Về kinh tế học, đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, giá cả liên tục leo thang, lạm phát đe dọa với nhiều nguyên nhân, vậy vai trò NHNN ở đâu trong việc này?

Chỉ thị 03 và Quyết định 03

Như đã biết, Chỉ thị 03 kiểm soát trực tiếp bằng việc giới hạn dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán ở mức 3% trên tổng dư nợ của một ngân hàng. Hướng điều chỉnh mới bằng Quyết định 03 sẽ kiểm soát một cách gián tiếp hơn, khi giới hạn dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán theo tỷ lệ không vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng.

Một số chuyên gia cho rằng, hình thức kiểm soát mới hóa ra lại giới hạn số vốn cho vay khả dụng, và vì vậy còn tệ hơn Chỉ thị 03, từ đó làm nhà đầu tư thất vọng. Việc nhà đầu tư phản ứng thế nào sẽ được thể hiện trên thị trường trong thời gian tới. Nên nhớ rằng, việc thị trường đi lên vài phiên trước Tết Nguyên Đán hoàn toàn không có nhiều ý nghĩa.

Thật vậy, Quyết định 03 được thiết kế xung quanh vốn điều lệ và kèm theo các chỉ số kiểm soát rủi ro. Câu trả lời đơn giản nhất là các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ để điều chỉnh dư nợ khả dụng cho vay kinh doanh chứng khoán. Việc tăng vốn như thế đương nhiên sẽ không xảy ra tức thì, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra vì hai lý do:

Thứ nhất, dịch vụ tài chính cho vay kinh doanh chứng khoán nhìn chung là mảnh đất màu mỡ chưa khai thác hết.

Thứ hai, để đáp ứng mục tiêu phát triển và cạnh tranh trong khuôn khổ hội nhập kinh tế thế giới, các ngân hàng buộc phải tăng sức mạnh, một trong những cách làm cơ bản là tăng vốn điều lệ bằng vốn nội địa hoặc các nguồn vốn bên ngoài.

Vì vậy, trong trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ thiết lập mức dư nợ khả dụng cho vay kinh doanh chứng khoán như mức họ mong muốn. Việc này hoàn toàn thực tế và sẽ xảy ra...

Đồng thời khi đó, các ngân hàng, trên cơ sở tăng vốn điều lệ, sẽ có sức mạnh rất lớn với mạng lưới rộng khắp trong và ngoài nước, gần như đương nhiên kèm theo một lượng vốn huy động lớn và một lượng khổng lồ dư nợ khả dụng.

Như vậy, với xu hướng này, các ngân hàng chắc chắn sẽ cho vay, không chỉ đảm bảo chi phí mà còn thu lợi nhuận. Khi ngân hàng cho vay, dưới bất kỳ hình thức nào, tức là sẽ có một lượng lớn tiền đồng chảy vào thị trường và nền kinh tế. Với số lượng lớn tiền đồng lưu thông, khi đó sức ép trong việc kiểm soát lạm phát sẽ rất đáng kể.

Tình huống trên có lẽ sẽ đến chậm hơn theo cách tự nhiên, từ đó NHNN và nền kinh tế có nhiều thời gian hơn để đối phó. Tiếc rằng, Quyết định 03 đã ban hành, chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian lại.

Tăng lãi suất tiền đồng

Trở lại với NHNN, gần như cùng lúc với việc dự kiến ban hành văn bản mới về cho vay kinh doanh chứng khoán, NHNN đồng loạt tăng tất cả lãi suất tiền đồng. Theo nguyên tắc, việc tăng lãi suất này sẽ phát huy tác dụng trong vài tháng tới.

Vì thế có thể thấy, đây là động thái "đón đầu" của NHNN: khi lượng tiền lưu thông quá nhiều, lãi suất tăng sẽ làm cho chi phí vay mượn tăng lên làm giảm vay, và lợi nhuận tiền gửi cao hơn làm tăng gửi, cả hai làm cho lượng tiền lưu thông giảm lại.

NHNN dự kiến kiểm soát lượng lưu thông tiền bằng cách tăng lãi suất, phương tiện chính thống nhất, nhưng sẽ có những tác động không tốt với hai lý do:

Thứ nhất, đối với vốn vay: do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phát triển, DN vẫn tiếp tục cần vốn, nếu không từ vốn vay ngân hàng thì sẽ từ nguồn vốn khác trong và ngoài nước. Thậm chí, với lãi suất tiền đồng cao, họ vẫn vay hoặc chuyển sang vay ngoại tệ. Điều này lại ngược với mục tiêu khắc phục tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Thứ hai, đối vốn gửi tiết kiệm: thực chất thì lợi nhuận thực tế từ lãi suất tiền gửi lâu nay vẫn rất thấp, thậm chí là số âm. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác vẫn mở rộng.

Có thể thấy rằng, việc tăng lãi suất chỉ nhằm đối phó với tình trạng thừa tiền sẽ xảy ra trong tương lai, gây ra nhiều khó khăn cho hiện tại: lãi suất tăng, chi phí tăng, giá tăng. Khi đó, mọi vấn đề về lạm phát sẽ xảy ra, làm nguy hại đến nền kinh tế.

Thậm chí, có thể cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất là để góp phần làm tăng giá đồng Việt Nam, qua đó góp phần thu thêm lợi nhuận từ tỷ giá với USD trong quan hệ thương mại quốc tế (trong nhập khẩu). Ngay cả như vậy, việc thu lợi nhuận tăng thêm từ tỷ giá, nếu có, sẽ phải kèm theo một chi phí quá lớn, là sức ép lạm phát, như phân tích.

Sức ép lạm phát

Trong năm 2007, NHNN mua vào một lượng rất lớn ngoại tệ, hàng tỷ USD. Điều đó có nghĩa lượng tiền đồng khổng lồ không còn nằm trong tay NHNN, mà được bơm vào thị trường dưới nhiều hình thức.

Đầu năm 2007, TTCK bùng nổ trong xu thế tăng trưởng kinh tế khá cao của Việt Nam. Nền kinh tế chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời cũng là một kênh bơm tiền đồng rất mạnh vào thị trường.

Trong thời gian qua, giá cả liên tục tăng, nếu không tăng thì vẫn ở mức khá cao. Thêm vào đó, không thể không nói đến chi tiêu ngân sách. Con số này quá nhiều, trong đó bội chi dự toán năm 2008 đến khoảng 67.000 tỷ đồng.

Có thể khẳng định rằng, cùng với nhiều yếu tố mang theo từ năm 2007, năm 2008 đang phải đối mặt với khả năng lạm phát ngoài tầm kiểm soát.

Quyết định 03: Ai được, ai mất?

Như đã biết, Quyết định 03 trong ngắn hạn không thay đổi tổng lượng cung tiền qua kênh cho vay kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng. Chỉ có các ngân hàng với vốn điều lệ khác nhau sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, về tổng thể, Quyết định 03 không có lợi ích gì, tình trạng cũ theo Chỉ thị 03 gần như được giữ nguyên.

Song song đó, Quyết định 03 cũng không đi một mình, mà kèm theo việc tăng lãi suất, hòng chế ngự một lượng cung tiền khổng lồ sẽ xảy ra trong tương lai không xa. Vũ khí để chế ngự là lãi suất, nếu không có nhiều tác dụng thực tế thì cũng là con dao hai lưỡi khi góp phần làm tăng chi phí và giá cả.

Từ đó có thể thấy, trong bối cảnh lạm phát đang cao, đây là một việc hết sức nguy hiểm, phải được cân nhắc kỹ.

Nhìn chung, ở Việt Nam, TTCK có đặc thù của một thị trường mới nổi, nằm trong một nền kinh tế đang phát triển. Để đảm bảo sự vận hành tốt của TTCK và nền kinh tế, những vấn đề khi xảy ra cần được xử lý bằng hệ thống nguyên tắc dựa trên lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn.

Trần Long Nhật Cử nhân Luật học, Đại học London

Theo ĐTCK-online

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm