Chính sách tiền tệ linh hoạt - Bài 2: Giữ vững giá trị VNĐ

Rất khó để đưa ra giải pháp điều hành tài chính, tiền tệ hoàn hảo. Bởi các giải pháp đều có mặt phải và trái, còn thị trường tài chính, tiền tệ hết sức nhạy cảm. Nếu điều hành không cẩn thận có thể mất nhiều tỉ USD trong nháy mắt.

Còn nhập nhiều nguyên liệu

Nói về việc hai lần điều chỉnh tỉ giá VND/USD từ đầu năm khiến đồng nội tệ mất giá 5,5% và có thể “nới” tỉ giá thêm 2% trong thời gian tới, nhà doanh nghiệp Phạm Thị Loan, đại biểu Hà Nội, cho rằng việc giảm giá VNĐ không giải quyết được bài toán cạnh tranh với thế giới về xuất khẩu. Lý do hiện thương hiệu của doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa kể Việt Nam đang phải nhập khẩu lượng nguyên liệu, thiết bị quá lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung có phần đồng tình với ý kiến trên. Theo ông Dung, điều chỉnh tỉ giá VNĐ giảm giúp xuất khẩu được lợi nhưng lại làm thiệt hại nhập khẩu do ngoại tệ tăng. Hiện nước ta nhập khẩu nhiều hàng hóa, thậm chí nhiều hàng hóa xuất khẩu nhưng phần lớn nguyên liệu lại đi nhập. “Không nên coi điều chỉnh tỉ giá là biện pháp giải quyết một cách toàn diện mà đây chỉ là biện pháp linh hoạt theo thực tiễn” - ông Dung nói.

Chính sách tiền tệ linh hoạt - Bài 2: Giữ vững giá trị VNĐ ảnh 1

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung, điều chỉnh tỷ giá VNĐ chỉ là một biện pháp linh hoạt theo thực tiễn. Ảnh minh họa: HTD

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Trần Du Lịch (đại biểu TP.HCM) cho biết hiện nay nợ quốc gia đang ở mức cao. Việc VNĐ mất giá đương nhiên làm khoản nợ tự động tăng lên rất lớn, gây khó khăn cho những khoản vay thương mại. Ông Lịch ủng hộ chủ trương duy trì tỉ giá linh hoạt nhưng không để VNĐ lên giá so với USD. Tính cả rổ ngoại tệ, không có cơ sở gì để phá giá VNĐ.

Quyết tâm của Chính phủ

Ông Lịch cho hay nếu tính tổng thể quốc gia thì không thiếu ngoại tệ. Vì ngoài phần dự trữ của nhà nước thì một phần lớn nằm trong dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại. Thành ra tổng thể không thiếu mà do người ta ghim giữ, đầu cơ tích trữ.

Theo ông Lịch, biến động ngoại tệ thời gian qua chủ yếu đến từ tâm lý chứ không do mức cung cầu ngoại tệ mất cân đối. Vì thế Chính phủ phải có biện pháp mạnh nói lên quyết tâm trong vấn đề ổn định đồng tiền và trấn an dư luận. “Tôi nhớ giữa năm 2008, ở thời điểm biến động, Thủ tướng lần đầu tiên công bố Việt Nam vẫn kiểm soát được dự trữ ngoại tệ đã có sự tác động rất lớn. Trong thời điểm này cũng cần như vậy” - ông Lịch phân tích.

Ông Lê Quốc Dung cho rằng trong trung, dài hạn, nhà nước phải giảm bội chi ngân sách và lạm phát trên cơ sở cán cân tỉ giá ngoại tệ cũng như các giá trị khác mới có thể tạo ra dòng vốn hợp lý cho nền kinh tế. Đề cập tới “cơn sốt” vàng, ông Dung cho rằng phải có dự báo một cách chất lượng, tránh được những sai lầm thất thoát như giá rẻ thì xuất, giá cao thì nhập.

Theo ông Dung, không để lạm phát vượt quá 5% mới bảo đảm được đời sống của người làm công ăn lương và tạo được niềm tin huy động được các nguồn lực, dòng vốn, dòng tiền cho phát triển kinh tế-xã hội. “Giá trị đồng tiền được giữ vững sẽ tránh được tình trạng đầu tư lúc chạy sang vàng, USD, đất... làm méo mó hết đồng vốn” - ông Dung nói.

THU HẰNG -THÀNH VĂN - THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm