Chim gây thiệt hại cả triệu đô la

Vụ trục trặc kỹ thuật trên máy bay Airbus A320 từ Nha Trang đi TP.HCM chở theo 164 hành khách chiều ngày 7-8 có liên quan đến... chim. Chiều 10-8, thông tin từ Internet đã khẳng định như trên. Thông tin này còn mô tả: Khi máy bay hạ cánh, cơ quan chức năng đã kiểm tra sơ bộ, phát hiện xác một con chim cùng vết máu trên máy bay. Không loại trừ khả năng cú va chạm của chú chim trời đã làm bộ phận cảm biến càng máy bay không phát tín hiệu chính xác đến buồng lái.

Thực hư ra sao còn phải chờ các cơ quan chức năng kết luận. Tuy nhiên, chuyện có thật là từ lâu, những chú chim tưởng chừng như vô hại trên bầu trời lại là nỗi ám ảnh các hãng hàng không, kể cả Việt Nam và nước ngoài.

Chim trời nghịch “chim sắt”

Giữa tháng 5-2009, hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) đã từng phải khốn đốn, hao tổn tài chính và bị hành khách dọa “nghỉ chơi” vì những chú chim trời “phá đám”. Một máy bay của JP bay từ Hà Nội và chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì bị chim va vào động cơ. Tuy hạ cánh an toàn nhưng chiếc tàu bay phải tạm ngừng khai thác để các chuyên gia khắc phục. Sự cố trên đã khiến JP phải điều thêm đội bay để phục vụ hành khách. Trước đó hai ngày, một máy bay khác của JP cũng bị hỏng do đụng độ với chim. Cú va chạm này đủ làm cho nhiều chuyến bay khác của hãng phải thay đổi lịch trình trong những ngày kế tiếp. Đã vậy, JP còn phải hỗ trợ và bồi thường cho hành khách.

Tổng Giám đốc JP Lương Hoài Nam kể: Sự cố máy bay va vào chim mà JP gặp phải tương đối nhiều. Theo thống kê, trung bình cứ mỗi tháng “chim sắt” của JP va đập vào chim trời một lần. Trong số đó, lần mà những chú chim gây tổn thất nhất cho hầu bao của JP phải kể đến cú va đập vào năm 2004. Chiếc máy bay của JP đang bon bon trên không thì “véo”, một chú chim xẹt ngang, va một cú như trời giáng vào guồng máy. Một triệu USD đi tong sau khi hãng hàng không phải đại tu động cơ cùng với chi phí phát sinh. “Tần suất chim va đập vào máy bay tương đối cao so với thế giới. Lý do là các sân bay ở Việt Nam chưa lắp đặt thiết bị, hệ thống đuổi chim như một số sân bay của các nước. Mức độ thiệt hại nhiều hay ít còn do chú chim lớn hay bé va đập vào vị trí nào của máy bay” - ông Nam cho biết.

Đối với VNA, đây cũng không phải lần đầu tiên vấp phải “sự cố chim trời”. Tháng 7-2008, một máy bay của hãng này khi chuẩn bị đáp xuống sân bay Nha Trang cũng đụng phải một chú chim. Trước đó ít ngày đã có một chuyến bay của VNA từ Hà Nội vào Đà Nẵng, sau khi hạ cánh, cơ trưởng phát hiện có một con chim “trú ngụ” ở động cơ bên trái máy bay.

“Thiên tai” khó tránh

Ông Mai Trọng Tuấn, cựu phi công của VNA, người vừa qua đưa ra kiến nghị “Đường bay vàng”, cho biết: “Chim trời là mối họa thường trực với ngành hàng không bởi sự chênh lệch tốc độ phản lực của máy bay với chim trời. Các loài chim, dù lớn hay nhỏ khi va chạm sẽ tạo ra một lực phá ghê gớm”.

Theo ông Tuấn, kết cấu bên trong động cơ phản lực của máy bay rất tinh vi. Khi bị chim va đập, dù cho các chi tiết của động cơ không bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng quá trình làm việc của động cơ sẽ bị ảnh hưởng nặng, thậm chí buộc phải ngừng làm việc.

Phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Va chạm giữa chim trời và “chim sắt” có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu thân của con chim lớn, bị hút vào động cơ phản lực. Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ.

Để đối phó với nguy hiểm rình rập từ động vật, một số sân bay trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp giảm nguy cơ va chạm giữa máy bay và chim. Chẳng hạn như không trồng nhiều cây gần sân bay vì chim có thể làm tổ hoặc nghỉ ngơi trên cây. Tuy nhiên, hiện chưa có sân bay nào tại Việt Nam sử dụng các loại máy xua đuổi chim trời.

Ông Lương Hoài Nam lắc đầu: “Chưa có cách gì để hạn chế được chuyện chim va đập vào máy bay, chủ yếu các hãng hàng không chỉ dựa vào may rủi. Vừa qua JP đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng nên lắp đặt hệ thống đuổi chim nhằm làm giảm sự tổn thất cho các hãng hàng không nhưng đó chỉ mới là kiến nghị”.

Chuột bạch, chó đá cũng từng gây rối

Từ năm 1988 đến nay, có hơn 200 người chết trong các vụ tai nạn máy bay liên quan tới động vật, gây thiệt hại hơn 600 triệu USD mỗi năm. Riêng trong năm 2007, không quân Mỹ thống kê có hơn 5.000 vụ va chạm giữa máy bay và chim trên lãnh thổ nước này.

Ở Việt Nam, năm 2007, một chú chuột bạch xuất hiện trong khoang hành khách chiếc máy bay Boeing 777 của VNA đã khiến chuyến bay này chậm lại nhiều giờ. Hay như gần đây, máy bay duy nhất của Indochina Airlines cũng phải hủy chuyến sau khi một kiện hàng chứa con chó đá va vào cửa tầng hàng gây ra hai vết lõm.

TH tổng hợp

Thành lập tổ điều tra sự cố

Chiều 10-8, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, cho biết đã ký quyết định thành lập tổ điều tra sự cố tàu bay xảy ra đối với chiếc máy bay A320 của VNA thực hiện chuyến bay VN453 từ Nha Trang đi TP.HCM hôm 7-8. Nhóm điều tra vào TP.HCM và làm việc từ hôm nay (11-8).

Theo quyết định, nhóm điều tra gồm 11 thành viên do ông Hồ Minh Tấn, Trưởng ban Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam), làm trưởng nhóm. Nhóm này chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác điều tra và hoạt động của nhóm theo thủ tục do Chính phủ quy định về điều tra sự cố, tai nạn máy bay dân dụng.

Một thành viên trong tổ điều tra cho biết do sự cố xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất và máy bay vẫn được niêm phong tại đó nên tổ điều tra sẽ vào hiện trường thu thập chứng cứ, tài liệu, phỏng vấn tổ bay... làm rõ nguyên nhân.

Về thông tin phát hiện xác một con chim và có những vết máu trên máy bay, ông Lại Xuân Thanh khẳng định hiện trong biên bản, báo cáo của các đơn vị gửi cho Cục chưa thấy có chi tiết này. Cục sẽ điều tra kỹ nhằm làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố.

T.HIẾU - T.VĂN

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm