Nỗ lực đứng dậy sau đại dịch COVID-19 - Bài 2

Chiếc áo, đôi giày Việt làm mới mình để vượt khó

Được xem là những ngành đem lại nhiều ngoại tệ và tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng hiện dệt may và da giày đang chịu nhiều cú sốc từ đại dịch COVID-19. Dẫu vậy, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng hậu COVID-19, hai ngành này vẫn có cơ hội tăng trưởng.

Cú phanh gấp

Ban lãnh đạo Vascara, một thương hiệu giày nữ văn phòng đình đám, từng kỳ vọng tăng trưởng trong giai đoạn mới khi có đối tác chiến lược Nhật Bản tham gia vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch kinh doanh của thương hiệu này.

Bà Lê Cảnh Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Global Fashion, đơn vị sở hữu thương hiệu Vascara, cho hay các cửa hàng phải đóng cửa một thời gian dài do giãn cách xã hội. Dù có nguồn thu từ bán trực tuyến nhưng doanh thu vẫn lao dốc, xuất khẩu qua Nhật cũng chững lại do thị trường Nhật cũng giãn, hoãn đơn hàng.

Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, cho biết ngành dệt may bị ảnh hưởng khá nhiều vì các thị trường đầu ra gặp khó khăn. Sau khi nguồn cung bị đứt từ Trung Quốc, các đơn vị trong ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn tại thị trường EU và Mỹ.

Trước mắt, để tồn tại, Việt Thắng Jeans cũng như nhiều công ty khác chuyển sang sản xuất khẩu trang và bảo hộ y tế. Dự kiến công ty sẽ sản xuất những mặt hàng này đến hết tháng 8, sau đó quay lại tập trung cho ngành cốt lõi quần áo.

“Hiện nay, khoảng 50% doanh nghiệp (DN) trong ngành hoạt động theo hướng này. Số còn lại sản xuất cầm chừng, thậm chí các cơ sở nhỏ phải đóng cửa. Các công ty dệt may có số lao động 150-200 người trở lại rất khó tồn tại trước cơn đại dịch” - ông Việt nói.

Sự khó khăn của ngành dệt may còn thể hiện rất rõ. Một công ty lớn trong ngành là May Việt Tiến đã báo lỗ gần 21 tỉ đồng ngay trong quý I-2020, trong khi cùng kỳ lãi gần 88 tỉ đồng.

“Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bùng phát trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Đây là những thị trường xuất khẩu lớn của công ty. Các đối tác nhập khẩu ở các nước này đã giảm và hủy số lượng lớn các đơn hàng, cộng với đó thị trường nội địa sức mua giảm nên kết quả kinh doanh đã bị tác động tiêu cực” - ông Trần Minh Công, Phó Tổng giám đốc Công ty May Việt Tiến, giải thích.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng cũng nhận định hiện các DN dệt may lỗ là bình thường, vì thiếu đơn hàng trong khi chi phí không giảm. Nếu hoạt động 100% công suất thì mới có lời, còn giảm năng suất xuống 80% nhưng vẫn giữ được lao động xem như là hòa vốn. Còn đơn vị nào thấp hơn con số này sẽ lỗ.

Các doanh nghiệp dệt may cố gắng tìm các đơn hàng sản xuất để giữ đội ngũ nhân viên. Ảnh: QH

Hướng đi mới

Thực tế, dù đối diện với những khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng các DN ngành dệt may, da giày đang rất nỗ lực tìm lối ra. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, dự báo: Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may VN như Mỹ, châu Âu, Nhật sẽ quay trở lại hoạt động bình thường vào quý III hoặc trễ lắm là quý IV-2020. Cơ hội phục hồi ngành dệt may một phần sẽ phụ thuộc vào kiểm soát tốt dịch từ các thị trường này.

“Đây là sản phẩm tiêu dùng tương đối thiết yếu trong đời sống thường ngày. Do đó, nhu cầu sản phẩm của các thị trường có thể bị ảnh hưởng trong thời điểm bùng phát dịch, nhưng có thể hồi phục tương đối mạnh mẽ giai đoạn sau dịch. Ví dụ, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 khiến ngành hàng may mặc bị ảnh hưởng nhưng đã phục hồi khá mạnh mẽ ngay sau đó, khi các nền kinh tế lớn quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng” - ông Hồng nhận định.

Tránh đứt gãy nguồn cung

Bên cạnh tác động tiêu cực, dịch COVID-19 đang mở ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, kinh tế số, quá trình chuyển đổi kinh tế số. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng, triển khai sớm các giải pháp phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, tái cơ cấu các ngành kinh tế, tổ chức lại sản xuất cũng là một trong những giải pháp để tránh việc đứt gãy nguồn cung khi quá phụ thuộc vào một thị trường.

Ông TRẦN TUẤN ANHBộ trưởng Bộ Công Thương 

Theo ông Hồng, điều quan trọng lúc này là các DN dệt may cố gắng tìm các đơn hàng sản xuất để giữ đội ngũ quản lý, công nhân. Bởi lẽ kinh nghiệm cho thấy chắc chắn dịch bệnh sẽ qua, lúc đó các công ty lại rất cần con người. Nếu để thiếu con người thì không thể tận dụng cơ hội mới được.

Còn theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, đợt dịch này cũng là thời điểm để tái cấu trúc, sắp xếp tinh gọn sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, chứ không phải là sa thải người lao động.

Văn hóa người Việt, tình thân như gia đình, tuyển một người thì dễ nhưng để sa thải phải suy nghĩ, trăn trở lắm. Bởi thế, công ty chúng tôi tìm các đơn hàng khẩu trang để tạo công ăn việc làm nhằm giữ người để khi hết dịch quay lại ngành cốt lõi, nắm bắt cơ hội tăng trưởng” - ông Việt chia sẻ.

Để đối phó với các khó khăn và tìm cách khôi phục sau dịch bệnh, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết các đơn vị trong tập đoàn đang bám sát sản xuất phục vụ thị trường trong nước, sản xuất và xuất khẩu mặt hàng phòng dịch. Doanh nghiệp này cũng đàm phán với khách hàng để tránh tối đa thiệt hại; đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu; cân đối dự phòng tài chính để có thể trả lương và duy trì sản xuất thất thường.

Hàng trăm triệu chiếc khẩu trang Việt xuất ngoại

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I-2020, trị giá xuất khẩu hàng dệt may đạt 7,03 tỉ USD, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tính từ đầu năm đến ngày 19-4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của VN hơn 415 triệu chiếc, trị giá hơn 63 triệu USD. Khẩu trang của các DN VN được xuất đi một số thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ...

Theo Hiệp hội Dệt may VN, trong một kịch bản lạc quan nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2020 sẽ đạt khoảng 35 tỉ USD, giảm 10% so với năm 2019. Với kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 30-31 tỉ USD. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm