Chi phí kinh doanh ở VN có loại gấp 49 lần nước ngoài

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ do Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ký ngày 15-5 đã nêu bật những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Theo VCCI, trong số các nghiên cứu, khảo sát, thì “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới xem xét nhiều các vấn đề về chi phí kinh doanh nhất. 

Theo đó, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản đang ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore cũng như Malaysia.

Xếp hàng đầu là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế ở Việt Nam cao nhất trong nhóm ASEAN 4, chiếm 39,1% lợi nhuận. Chi phí này gấp hơn 2 lần so với Singapore. Chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần Singapore và hơn 3 lần Philippines. 

Chủ tịch VCCI vừa ký báo cáo gửi Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 35 trong đó nhấn mạnh chi phí cao đang làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: CHÂN LUẬN

VCCI cho rằng: Vấn đề chi phí cao làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp. Báo cáo của VCCI so sánh: “Chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội và ngược lại (khoảng 100 km) gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, VCCI cho hay: Việc thu phí cảng biển (như ở cảng Hải Phòng) càng làm cho chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành hàng hóa xuất khẩu.

Một loại chi phí khác luôn được các báo cáo, khảo sát của VCCI nhắc tới, nay được tổng hợp trong báo cáo này là vấn đề chi phí không chính thức, hay còn gọi là “chi phí ngoài luồng”, “chi phí lót tay”.

Báo cáo của VCCI dẫn ra kết quả điều tra 11.000 doanh nghiệp trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 và nói rằng: cứ 3 doanh nghiệp được hỏi thì có 2 doanh nghiệp xác nhận trả loại phí lót tay, không chính thức này. 

“Tnh hình không có mấy cải thiện khi từ 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước”, báo cáo của VCCI thẳng thắn.

Trước đó, ngày 8-5, tại cuộc họp báo về cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành với doanh nghiệp”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã khẳng định: “Việc Thủ tướng gặp doanh nghiệp hàng năm là cần thiết và nhiệm vụ chính là bàn giải pháp phát triển doanh nghiệp. Trong khi bàn giải pháp cũng sẽ đề cập đến những khó khăn và tìm phương án giải quyết”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đồng tình và cho rằng: nếu tổ chức tốt, thậm chí mỗi năm Thủ tướng có thể gặp cộng đồng doanh nghiệp hai lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm