'Chỉ mình Chính phủ nỗ lực là chưa đủ…'

Ngày 26-6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 đã được khai mạc. Đây là diễn đàn đối thoại chính sách thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Mục đích (của diễn đàn-PV) là để xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, xây dựng và củng cố niềm tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Những khuyến nghị vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp cần xem xét giải quyết kịp thời”.

Điểm qua những khó khăn nội tại và ngoại tại của kinh tế Việt Nam, nhất là từ đầu năm đến nay, Bộ trưởng Dũng nói: “Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế”.

Theo Bộ trưởng Dũng, những hướng cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế bao gồm: nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; củng cố duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng kỹ thuật số; hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo để quy tụ nhân tài và kết nối với các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới.

Cùng với việc xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… Chính phủ cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; thực hiện nghiêm quy định về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: “Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là sự nhiệt huyết, năng động của người đứng đầu Chính phủ, quan tâm đến rất nhiều khía cạnh vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc. Tuy nhiên, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ”.

Theo Bộ trưởng Dũng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hôm nay với chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” sẽ tập trung vào việc đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm khơi dậy sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút đầu tư theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, có trách nhiệm với cộng đồng và phát triển bền vững.

“Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của DN với nhà nước, DN với môi trường, DN với DN, DN với người dân. Diễn đàn không chỉ đơn thuần phản ánh khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh mà còn nâng tầm trách nhiệm của DN với phát triển nhanh và bền vững của quốc gia”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

TS Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF giữa kỳ 2019 cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Tuy vậy, TS Lộc cho rằng: Môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, TS Lộc đề nghị Chính phủ đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho doanh nghiệp, Cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm.

“Đặc biệt cần sửa đổi ngay các quy định pháp lý chồng chéo, bất hợp lý liên quan tới đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường… Trong khi chưa sửa được Luật cần có ngay các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và doanh nghiệp không để mỗi địa phương, cơ quan giải thích theo một kiểu”, TS Lộc đề xuất.

TS Vũ Tiến Lộc đề nghị trong khi chưa sửa được các luật liên quan đến kinh doanh thì Chính phủ cần có những hướng dẫn nhất quán, không để tình trạng mỗi địa phương, cơ quan hướng dẫn pháp luật một kiểu.

Bên cạnh đó, TS Lộc cũng đề nghị Chính phủ tăng cường minh bạch thông tin cho doanh nghiệp, có giải pháp phù hợp đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ; tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.

Đặc biệt, TS Lộc đề xuất “Sửa đổi Luật lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công luỹ tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các doanh nghiệp”.

Cuối cùng, TS Lộc đề nghị Chính phủ đảm bảo tính ổn định, tin cậy của môi trường kinh doanh; cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến doanh nghiệp để bảo đảm an toàn, an tâm cho kinh doanh; có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ký kết và Thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm