'Chen chúc đi mua đẩy giá hàng hóa tăng, nguy cơ lây dịch bệnh'

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvề tình hình chuẩn bị nguồn cung cũng như đảm bảo giá cả hàng hóa cho người dân khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 9-7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết: hiện nay nguồn cung hàng hóa về TP.HCM qua kênh truyền thống là ba chợ đầu mối, kênh phân phối hiện đại, cửa hàng lương thực thực phẩm (LTTP) và lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường.

DN bình ổn thị trường, các siêu thị thực phẩm đều có kế hoạch chuẩn bị dữ trữ cung ứng nguồn hàng hóa xuyên suốt trong năm.

“Riêng DN bình ổn thị trường, chúng tôi đã tính toán các phương án, kịch bản cho những tình huống lượng hàng hóa tăng lên như những dịp lễ, tết hoặc là thời điểm như hiện nay lượng hàng dự trữ sẽ tăng gấp hai, gấp ba lần.

Các DN hiện nay đã thực hiện đúng chỉ đạo của Sở Công thương là tăng lượng hàng dự trữ lớn từ hai đến ba lần. Trong đó, các DN như Saigon Co.op, Satra đảm bảo nguồn hàng dự trữ này tối thiểu một tháng, Saigon Co.op dự trữ đến ba tháng”- ông Phương nói.

Hàng hóa không thiếu, người dân không nên tích trữ.

Theo ông Phương, đối với hàng hóa về các chợ đầu mối, hiện nay ba chợ tạm dừng hoạt động. Sở đang phối hợp với quận, huyện mà các chợ này đóng trên địa bàn để tìm những mặt bằng, vị trí phù hợp nhằm tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa cho thương nhân tập kết. Hàng sẽ được chuyển sang các xe nhỏ đưa về chợ nhỏ lẻ.

Qua đó, đảm bảo nguồn hàng tuy không về chợ đầu mối trực tiếp nhưng qua giao dịch trực tuyến cũng có kênh đi từ vùng nguyên liệu đến các chợ truyền thống, đảm bảo nguồn cung phục vụ cho khách hàng.

Đối với kênh mua sắm hiện đại, khi nhu cầu mua sắm người dân tăng cao các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sẽ tăng thời gian bán hàng lên. Theo đó, tùy siêu thị sẽ mở cửa từ 6 giờ sáng, đóng cửa vào 11 giờ, 12 giờ đêm. Riêng Bách Hóa Xanh sẵn sàng mở cửa 24/24 phục vụ cho đến người khách cuối cùng mới đóng cửa.

"Qua việc thực hiện đó, với lượng hàng dự trữ đầy đủ như vậy, người dân không có gì phải lo lắng, hàng hóa đầy đủ" - ông Phương thông tin. 

Tiểu thương giao hàng và tính tiền cho khách trước cổng chợ Nguyễn Tri Phương

Bên cạnh đó, TP đã tạo mọi điều kiện để các hệ thống phân phối được hoạt động tốt. Sở Công thương đang phối hợp với quận, huyện rà soát để đẩy nhanh tiến độ mở cửa trở lại các chợ truyền thống, đảm bảo phục vụ cho người dân.

Về giá cả, ông Phương cho hay, các DN bình ổn thị trường, kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm cam kết giữ ổn định giá, giá cả không có gì biến động. Việc giá cả biến động tăng ở các chợ truyền thống nguyên nhân là do lượng hàng về giảm ở kênh này.

Mặt khác, giá hàng hoá tăng là do vừa qua giá xăng dầu điều chỉnh tăng, chi phí vận chuyển từ các tỉnh về TP.HCM cũng tăng do các địa phương áp dụng biện pháp kiểm soát, yêu cầu DN phải xét nghiệm cho tài xế và phụ xe.

Thêm nữa, trước đây lượng hàng hóa được đưa về TP.HCM trên các phương tiện vận tải với tải trọng lớn, hiện nay chuyển qua các xe tải nhỏ để chở về các chợ nhỏ đã khiến chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm tăng lên.

Cộng với việc số lượng người mua tăng cao đột biến, người bán do tâm lý sức mua thị trường yếu không dám nhận về nhiều. Khi người bán nhận hàng ít nhưng lại có lượng khách đông cùng đến mua, đương nhiên hàng mau hết và họ tăng giá. Đây là tâm lý người bán hàng ở chợ.

Theo ông Phương, khi giá cả cao như vậy người dân cố gắng điều chỉnh lại hoặc mua sắm ở kênh phân phối hiện đại, hoặc tạm dừng mua một hai hôm.

“Không nên mua dự trữ tại thời điểm này, thời điểm này chúng ta càng đi mua dự trữ càng làm cho giá hàng hóa tăng lên, càng bị nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi chen chúc đông người” - ông Phương nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm