Chật vật với '3 tại chỗ', nhiều doanh nghiệp muốn dừng sản xuất

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới phát hành, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) trong tháng 7-2021 tăng 1,82% so với tháng 6-2021 và tăng 2,24% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3 tới nay.  

Đà tăng của chỉ số SXCN chậm lại do diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều nhà máy phải ngừng hoặc giảm các hoạt động sản xuất.

Các phương thức “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm” đã được áp dụng để cho phép các doanh nghiệp tiếp tục mở cửa hoạt động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể thực hiện được do chi phí cao và điều kiện cơ sở vật chất phức tạp.

"Như vậy, khả năng tăng trưởng trở lại của chỉ số SXCN trong tháng 8 và thời gian còn lại của năm 2021 sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và quá trình triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19" - Bảo Việt đánh giá.

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID 19 – Vấn đề và giải pháp" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua đã cho thấy bức tranh sản xuất doanh nghiệp không mấy tích cực.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 quá cứng nhắc dẫn đến các doanh nghiệp dệt may không thể có đủ nguyên phụ liệu để sản xuất. Vì nhiều mặt hàng bị địa phương cho là không thiết yếu nên không cho lưu thông. Chưa kể công nhân, bộ phận phát triển mẫu không được đi đến chỗ làm.

"Do tốc độ tiêm chủng trong ngành dệt may chưa đầy 1% nên người lao động rất lo lắng khi đi làm việc. Ngoài ra lao động di chuyển về quê nhà để trốn dịch nên khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà máy quay trở lại sản xuất cũng không kiếm đủ công nhân" - ông Giang nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nêu ra điều đáng lo ngại nhất cho doanh nghiệp là không có công nhân sản xuất. Bởi vì có nhà máy phát hiện ra F0 là công nhân hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi công ty. Ngay cả khi, nhiều nhà máy xây dựng được "3 tại chỗ" thì công nhân cũng không muốn vào làm.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam cho rằng, qua quan sát thực tế, mô hình bảo vệ sản xuất doanh nghiệp theo hướng "3 tại chỗ" chỉ hiệu quả theo cách tạm thời. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian thì cơ chế này khó có thể bền vững ở góc độ bảo vệ sức khỏe cho người lao động, sản xuất cho các doanh nghiệp.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây cũng đưa ra nhận định, tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng "3 tại chỗ" cũng không ít vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu.

Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng (Dệt May Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ & Mỹ nghệ TP.HCM, Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương...) trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình "3 tại chỗ" ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày.

Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm