Cao điểm Tết: Không nhập nhằng trái cây Việt Nam và Trung Quốc

Tối ngày 30-1, Đoàn liên ngành do ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở công thương TP.HCM chủ trì đã có buổi làm việc tại Chợ đầu mối Thủ Đức về việc đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường cũng như giá cả.

Rau củ, trái cây Tết dự báo giảm giá

Báo cáo với đoàn liên ngành, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc công ty Cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết các thương nhân kinh doanh tại chợ đã hợp đồng với các hộ sản xuất dự trữ hàng hóa phục vụ Tết.

Đa số người kinh doanh chờ dịp Tết, hàng hóa mới tăng mạnh về số lượng. Đặc biệt là giai đoạn cao điểm trong năm, từ 24-28 Tết. Dự kiến trong những ngày cao điểm, lượng hàng nhập chợ phục vụ Tết sẽ tăng dần. Cụ thể ngày 26 âm lịch khoảng 6.000 tấn, ngày 27 là 7.000 tấn, ngày 28 khoảng 6.700 tấn.  

Trong khi đó các mặt hàng rau chủ lực phục vụ Tết dự kiến sản lượng nhập chợ tăng. Một số mặt hàng như bắp cải tròn dự kiến 400-420 tấn/ngày, cà rốt 290-300 tấn/ngày, xà lách 150-160 tấn/ngày, cà chua 110-120 tấn/ngày.

Về rau củ, hiện nay tại chợ có 150 chủng loại từ các tỉnh như Đà Lạt, Tiền Giang, Cần Thơ ... và từ các quận nội thành Hóc Môn, Củ Chi. Ngoài các chủng loại hàng trong nước thì hầu như trái cây nhập từ các nước như Úc, Mỹ, Chi Lê,… Riêng Trung Quốc, Việt Nam vừa nhập rau củ và vừa trái cây.

Theo ông Nhu, vào dịp cao điểm Tết năm nay dự kiến giá các mặt hàng rau củ giảm 2.000 đồng/kg so với Tết 2018, như cải tròn 10.000 đồng/kg; cà rốt 20.000 đồng/kg, khoai tây 18.000 đồng/kg. Xà lách búp, xà lách lụa giá 10.000 đồng/kg, cũng bằng với cao điểm Tết 2018.

Tương tự đối với trái cây, giá dự kiến giảm 7.000-17.000 đồng/kg, như bưởi da xanh còn 73.000 đồng/kg; quýt đường 55.000 đồng/kg; xoài cát Hoà Lộc 73.000 đồng/kg. Trong khi đó sẽ có một số mặt hàng tăng 3.000-6.000 đồng/kg. Cụ thể bưởi Năm roi  63.000 đồng; quýt tiều 41.000 đồng/kg;  mãng cầu tròn 65.000 đồng/kg.

 sao giá hàng hóa Tết có xu hướng tăng nhưng giá chợ đầu mối dự báo giảm?

Theo ông Nhu do quy luật cung cầu ở chợ. Vì giá của nhà vườn bán cho các thương lái, chủ yếu thương lái phía Bắc cao hơn giá ở chợ đầu mối bán ra. Ví dụ khi thương lái mua tại nhà vườn bưởi da xanh 70.000 đồng/kg, nhưng hiện nay bán tại chợ 65.000 đồng/kg. Tương tự, quýt hiện nay, khi mua tại vườn giá 40.000 đồng/kg trong khi ở chợ đầu mối 25.000-30.000 đồng/kg. Nên một số thương lái hiện nay lỗ nhiều, thậm chí chấp nhận mất tiền cọc. Họ chuyển sang mua nguồn hàng ở một số tỉnh miền Đông với giá rẻ hơn như quýt miền Đông.

“Do đó, không lo thiếu hàng, nguồn cung hiện tại của chợ Thủ Đức không chỉ miền Tây như quýt, cam, bưởi, xoài… mà miền Đông cũng đang cung cấp”, ông Nhu nói.

Bên cạnh đó, chợ Thủ Đức cũng quan tâm đặc biệt đến công tác an toàn thực phẩm. Vì vậy, các thương nhân kí cam kết không sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm. Hàng hóa vào chợ không được trao đổi nhãn mác, không bán hàng gian, hàng giả.

Ông Phạm Thành Kiên (thứ hai từ phải qua) Giám đốc Sở công thương TP.HCM hỏi thăm thương nhân chợ đầu mối Thủ Đức về tình hình buôn bán tết. 

Có tình trạng nhập nhèm hàng Trung Quốc và Đà Lạt?

Một thành viên trong Đoàn đặt câu hỏi lượng hàng Trung Quốc về chợ hiện nay bao nhiêu? Liệu có tình trạng nhập nhèm nguồn gốc hàng Đà Lạt với hàng Trung Quốc, chẳng hạn như khoai tây?

Theo ông Nhu, hầu như người bán ai cũng thích lấy hàng Trung Quốc nhưng qua các năm giảm. Cụ thể, năm 2018 rau Trung Quốc về chợ khoảng 95 ngàn tấn, giảm 25% so với 2017. Với mặt hàng trái cây, Trung Quốc năm 2018 về chợ 128 ngàn tấn, giảm 5,1%. Trong khi trái cây khác tăng lên 54 ngàn tấn, tăng 18,5% so với năm 2017.

Qua đó cho thấy xu hướng người tiêu dùng chọn loại trái cây chất lượng hơn. Chẳng hạn như trái cây Thái Lan năm 2017 tỷ lệ về chợ tính là xe tải nhưng 2018 trái cây Thái Lan về chợ là container. Phần nào trái cây Thái Lan đang thay thế trái cây Trung Quốc.

“Hoàn toàn không có chuyện nhập nhèm nguồn gốc khoai tây Trung Quốc và Đà Lạt. Các điểm bán ở chợ đầu mối đều phân định rõ hàng Trung Quốc, hàng Đà Lạt. Tiểu thương cũng xác định được đâu là khoai tây Trung Quốc, đâu là Đà Lạt. Nhưng khi hàng ra khỏi chợ đầu mối về đến chợ lẻ thì nguồn gốc Trung Quốc hay Đà Lạt không biết bị nhập nhằng” ông Nhu khẳng định.

Ông Kiên cho biết công tác chuẩn bị hàng tết được chợ đầu mối Thủ Đức thực hiện từ sớm và Sở công thương đã có kế hoạch phối hợp nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường TP.HCM. Và đến thời điểm này, qua báo cáo của chợ cho thấy hàng hóa đầy đủ, yên tâm về nguồn hàng, thị trường khó xảy ra thiếu khan hiếm hàng.

“Về giá cả thì một số mặt hàng, chợ dự báo có tăng có giảm nhưng nhìn chung là ổn định, không biến động. Vài ngày tới, nếu thị trường có sự biến động gì về giá cả nguồn hàng thì chợ cần thông tin kịp thời cho Sở để cùng các Sở ngành có thể hỗ trợ ngay. Mặt khác, dù công tác an toàn thực phẩm đã được chuẩn bị và thực hiện tốt nhưng nhưng cần tập trung không nên chủ quan”, ông Kiên đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm